Đảm bảo điện trong xây dựng nông thôn mới: Cần vốn lớn và phối hợp tốt

Thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, ngành Điện và các địa phương đã vượt qua khó khăn và thực hiện giải pháp nào để đảm bảo tiêu chí số 4 (tiêu chí về điện); góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn?

Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC): Cần nhiều nguồn vốn cho điện nông thôn

Tính đến cuối năm 2015, EVNNPC đã có 3.015 xã (chiếm 59,4%) đạt tiêu chí số 4 (tiêu chí về điện) trong Bộ Tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, nhiều địa phương có 100% số xã đạt được tiêu chí này như, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc... Kết quả này có được là do sự nỗ lực rất lớn của Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc, ưu tiên nguồn vốn cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn; đưa điện lưới đến các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo tại 27 tỉnh, thành phố phía Bắc. 

Tuy nhiên, hiện nay, các xã chưa có điện chủ yếu nằm ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, suất đầu tư đưa điện về rất lớn. Đối với các xã mà Tổng công ty đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, hầu hết lưới điện đã xuống cấp, cần sớm cải tạo, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành an toàn. Do đó, để đảm bảo tiêu chí điện trong xây dựng NTM, EVNNPC cần lượng vốn rất lớn, trong khi việc huy động vốn đang gặp nhiều khó khăn.

EVNNPC đã và đang phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chương trình của Chính phủ, đưa điện đến các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, hải đảo giai đoạn 2013 – 2020, sử dụng chủ yếu là nguồn vốn thuộc NSNN. Với lưới điện hạ áp nông thôn đã tiếp nhận, trước mắt, Tổng công ty tận dụng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn để thay công tơ, giải quyết những vị trí nguy hiểm, mất an toàn, đảm bảo đủ điều kiện bán điện. Đồng thời, tiếp tục tranh thủ nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn vay ưu đãi thông qua các tổ chức tín dụng như quốc tế: WB, DEP, KfW, ADB..., thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện... 

Ông Mai Văn Quyết - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định: Ngành Điện đi đầu trong xây dựng NTM

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, cả hệ thống chính trị của huyện Hải Hậu đã vào cuộc, trong đó, ngành Điện là đơn vị tiên phong. Xác định đầu tư cho hệ thống điện là đầu tư then chốt để phát triển kinh tế - xã hội, nên từ những năm 2009, trước khi có phong trào xây dựng NTM, Hải Hậu đã đi đầu trong tỉnh Nam Định, hoàn thành bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện. Sau khi tiếp nhận, Điện lực Hải Hậu đã không ngừng đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện.

Hàng năm, UBND huyện Hải Hậu tổ chức các buổi làm việc với Điện lực, Sở Công Thương và các xã về cấp điện an toàn, hiệu quả cho nông thôn. Từ đó, thống nhất được lộ trình phát triển lưới điện cho từng năm, từng giai đoạn. Để hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn đạt chuẩn NTM, Điện lực Hải Hậu nói riêng, Công ty Điện lực Nam Định nói chung đã phải nỗ lực rất nhiều. Bởi khi quy hoạch kết cấu hạ tầng theo tiêu chí NTM, hệ thống đường giao thông được mở rộng, dẫn đến lưới điện đầu tư trước đây không còn phù hợp cả về vị trí và quy mô, buộc phải di dời. Để lưới điện phù hợp với quy hoạch, ngành Điện phải đầu tư vốn dời, cải tạo hệ thống lưới điện. 

Với những giải pháp đồng bộ và sự phối hợp kịp thời giữa Điện lực và các địa phương, đến giữa năm 2014, 100% số xã của huyện Hải Hậu đạt chuẩn NTM, trong đó có tiêu chí về điện nông thôn; 100% hộ dân trên địa bàn được cấp điện đầy đủ, kịp thời với chất lượng tốt.

Nhờ có điện ổn định, Hải Hậu đã thực hiện chuyển đổi phương thức canh tác, nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Hiện nay, Điện lực Hải Hậu đang tập trung hoàn chỉnh, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn, với mục tiêu giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn trong vận hành và sử dụng điện... Đặc biệt, ngành Điện còn có sự đầu tư mang tầm chiến lược đối với những khu vực trọng điểm về phát triển kinh tế của Huyện. 

Ông Nguyễn Văn Mẫm - Chủ tịch UBND xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng: Điện về đã góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn

Tháng 9/2015, xã Lịch Hội Thượng được công nhận đạt chuẩn NTM. Để có được thành quả này, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn của ngành Điện trong việc đưa lưới điện hạ áp nông thôn về xã nhờ thực hiện Dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer”. 

Trước năm 2012, xã Lịch Hội Thượng mới có khoảng 88% số hộ dân được sử dụng điện, sau khi được thụ hưởng Dự án đưa điện lưới về cho đồng bào Khmer, đến nay số hộ dân có điện của xã đã đạt trên 98%.

Điện lưới quốc gia về xã không chỉ giúp Lịch Hội Thượng đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn mà còn tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế. Đồng bào dân tộc Khmer có ánh sáng sinh hoạt, xem tivi, nghe đài phát thanh, học tập, tiếp cận được với các thông tin mới, nắm rõ chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, tìm hiểu các mô hình làm kinh tế để có thể áp dụng... 

Đặc biệt, người dân đã sử dụng điện hỗ trợ trong chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Nếu trước năm 2012, tỉ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 20%, đến năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,12% - đạt tiêu chí về NTM. Có thể nói, điện lưới quốc gia đã giúp xã Lịch Hội Thượng “thay da,  đổi thịt”, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng hiện đại. 
 


  • 08/06/2016 02:54
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 7311