Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng

Đó là một trong các mục tiêu chính của Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp đồng Năng lượng Thế giới tổ chức ngày 17/9, tại Hà Nội.

Chủ trì diễn đàn có ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN).

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc diễn đàn

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận. Ngành Điện cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện, chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đặc biệt, đã huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, ngành năng lượng trở thành ngành đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế: các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế,…

“Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng. Thông qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết.

Đông đảo đại biểu tham dự diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2020

Tại Diễn đàn, đại diện nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ các nội dung liên quan tới chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng; Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững; Xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam; Thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam; Phát triển hệ thống điện gắn với an ninh năng lượng quốc gia; Hydro trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và khả năng sản xuất Hydro từ nguồn năng lượng tái tạo; Ưu tiên tín dụng cho các dự án năng lượng công nghệ cao,…

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Hải Đăng,  Trưởng Ban Chiến lược và Phát triển - EVN, cho biết: Phát triển hệ thống điện trong giai đoạn 2011-2020 cơ bản đảm bảo đáp ứng an ninh năng lượng quốc gia, là cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Việc cung cấp điện đang được cải thiện mạnh mẽ về các chỉ số: tiếp cận điện năng, chất lượng điện năng, độ tin cậy,...

Việc chậm tiến độ các nguồn điện truyền thống công suất lớn khiến dự phòng hệ thống suy giảm, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia trong trường hợp có đột biến tăng trưởng phụ tải. Phát triển năng lượng tái tạo là xu thế chung, trong thời gian qua đã đóng góp đáng kể vào công suất hệ thống điện, tuy nhiên việc phát triển ồ ạt và cục bộ gây khó khăn nhất định cho vận hành hệ thống điện và lợi ích kinh tế của các nhà đầu tư.

Ông Lê Hải Đăng - Trưởng ban Chiến lược và Phát triển EVN phát biểu tại diễn đàn

Ông Lê Hải Đăng trình bày các kiến nghị của EVN như: Chính phủ sớm thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Công Thương sớm hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định một số chiến lược, đề án có tầm quan trọng đặc biệt đối với đảm bảo an ninh năng lượng giai đoạn sau năm 2020: Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam; Đề án Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2035, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam; Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

EVN cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét xây dựng thị trường năng lượng sơ cấp, trong đó các đường ống khí thành đường trục do PVN quản lý và khuyến khích các nhà cung cấp khí bán khí cho các hộ tiêu thụ qua hệ thống đường ống. Xây dựng quy hoạch các dự án nguồn điện sử dụng LNG để đảm bảo hiệu quả chung, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả. Xem xét chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao, có hiệu quả kinh tế - xã hội lớn nhưng tiêu thụ ít năng lượng (sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị di động,…), giảm dần các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao (thép, xi măng,…). Cùng với đó các cơ quan có thẩm quyền làm rõ chức năng quản lý nhà nước về lưới điện truyền tải và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.


  • 17/09/2020 02:49
  • Trần Hiếu
  • 3737