Điện Bàn (Quảng Nam): Chuyên canh nông nghiệp phát triển mạnh nhờ điện

Điện Bàn có hơn 21 nghìn ha đất tự nhiên, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm gần 11 ha. Để bảo đảm an ninh lương thực, UBND huyện Điện Bàn cố gắng giữ ổn định diện tích đất trồng lúa ở mức 4.500 - 5.000 ha, còn lại là đất màu được quy hoạch thành những vùng chuyên canh rau quả và cây công nghiệp ngắn ngày tập trung ở các xã ở vùng Gò Nổi.

Trước đây, hầu hết các cánh đồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày ở Điện Bàn đều không chủ động được nước tưới nên việc canh tác thiếu tính ổn định, năng suất thấp, đời sống người nông dân gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có đất tốt, nhưng do thiếu nước, nên năng suất cây trồng không cao, người dân bỏ công sức ra nhiều mà thu hoạch thấp. Vào mùa khô, sông hồ kiệt nước, nếu dùng gầu tát nước thì không thể đưa nước từ dưới sông lên bờ dốc đứng

Những năm gần đây, UBND huyện Điện Bàn đã chủ trương “điện khí hóa” vùng đất màu, tạo điều kiện cho nông dân tận dụng hết khả năng của đất. Nơi nào có đất màu, nếu không chủ động được nước tưới thì người dân kéo điện ra đồng và sử dụng máy bơm nước. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách có hạn nên chủ trương này cần phải được xã hội hóa, có sự tham gia tích cực của các hợp tác xã và đóng góp của người dân. Đến nay, việc đưa điện ra đồng phục vụ bơm nước cho hoa mầu đã phát triển mạnh ở nhiều xã như Điện Phong, Điện Quang, Điện Thọ, Điện Hồng… Thành công này đã được tổng kết, đánh giá và  nhân rộng trong toàn Huyện.

Cách đây hơn 10 năm, cánh đồng Gò Đình (Điện Phong) rộng hơn 150 ha đã có điện để người dân chủ động khâu tưới tiêu

Theo ông Thân Trọng Vũ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Bàn, do chủ động được nước tưới nên nông dân đã xây dựng được nhiều vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung trên hơn 2/3 diện tích đất màu toàn Huyện. Diện tích còn lại, từ nay đến cuối năm 2015, Huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng hệ thống thủy lợi, nâng cao kỹ năng canh tác, hình thành thêm những vùng chuyên canh mới.

Nhiều nông dân ở vùng Gò Nổi đã có của ăn, của để nhờ phát triển vùng chuyên canh rau quả và cây công nghiệp như, cây đậu xanh, cây bắp lai… Nhiều hộ dân có  thu nhập 100-150 triệu đồng/năm.. Điển hình như thôn Tây An (xã Điện Phong), trước đây người dân vẫn canh tác trên đất bãi bồi mà quanh năm vẫn nghèo khó, thế nhưng từ khi đưa điện ra đồng tưới tiêu chủ động, người dân vươn lên làm giàu nhờ vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thu hoạch trên 100 triệu đồng/ha canh tác. Hoặc như ở xã Điện Quang, hầu hết diện tích đất màu đều được kéo điện ra tận ruộng đã cho phép người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giá trị cao, góp phần cho kinh tế hộ phát triển.

Ở xã Điện Minh có hơn 2/3 số hộ dân trồng rau chuyên canh. Các loại rau cải, mồng tơi, xà lách, bồ ngót, rau gia vị ở đây chủ yếu cung cấp cho thị trường người tiêu dùng ở thành phố Đà Nẵng, Hội An và các vùng lân cận. Nhiều nơi đã chuyển sang trồng rau sạch. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Còn ở xã Điện Hoà trong những năm qua toàn bộ diện tích trồng bông, bắp lai, đậu phộng cho đến các loại hoa đều dùng điện để tưới nước chủ động, năng suất cây trồng khá cao.

Hàng trụ điện thẳng thắp là hình ảnh quen thuộc ở các cánh đồng huyện Điện Bàn.

Nhờ có điện, các cánh đồng có nước tưới thường xuyên nên hoa màu tươi tốt. Đời sống khá lên, người dân có điều kiện đóng góp sức người, sức của để bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, đường nội đồng, xây dựng cầu cống, các công trình công cộng khác…

Nhờ chủ động được nguồn nước tưới nên người nông dân huyện Điện Bàn đã phá được thế độc canh chuyển dần sang lối đa canh, xen canh với nhiều chủng loại rau màu phong phú, đa dạng có năng suất cao như bắp lai, ớt, đậu đỗ, rau dền, rau muống, khoai lang, cải củ, xà lách, su hào, tần ô, kể cả cây đậu phụng, thuốc lá. Từ khi có nước tưới chủ động, thu nhập trên mỗi sào đất có thể gấp 4-5 lần so với trước.

Cuộc sống của người dân nông thôn Điện Bàn đã thực sự khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng nhanh qua các năm: 2008 đạt 392,7 tỷ đồng; 2009 đạt 399,2 tỷ đồng; 2010 đạt 414 tỷ đồng và 2011 đạt 425,5 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp đã đi vào chiều sâu, hướng đến một nền sản xuất hàng hoá chuyên canh cao, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích ngày càng lớn. Cuộc sống được ổn định, người nông dân có điều kiện tham gia, hưởng ứng tích cực các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu, đẹp.

 


  • 11/07/2012 11:41
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3947


Gửi nhận xét