Tham dự có đại diện Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA), Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu năng lượng đến từ Nga, Đông Nam Á…
|
Ông Nguyễn Cường Lâm - Phó tổng giám đốc EVN phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn Atomex Asia 2014 - Ảnh: Rosatom |
Atomex Asia 2014 bao gồm các phiên họp toàn thể, thảo luận các vấn đề liên quan đến triển vọng phát triển năng lượng hạt nhân ở khu vực Đông Nam Á, công nghệ và an toàn lò phản ứng hạt nhân của Nga, yêu cầu đối với các nhà thầu và khả năng nội địa hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân, đào tạo cán bộ, xây dựng nhận thức công chúng.
Bên cạnh đó, tại Diễn đàn còn có các gian hàng là nơi các nhà cung cấp trực tiếp giới thiệu sản phẩm và dịch vụ tới khách hàng, mở ra những cơ hội kinh doanh, hợp tác mới. Các doanh nghiệp được tạo điều kiện tối đa để kết nối với nhau, nhà cung ứng sẽ có cơ hội nghiên cứu những đặc điểm vận hành hệ thống đấu thầu, các tiêu chuẩn hiện hành và trao đổi với khách hàng…
Đặc biệt, tại diễn đàn, bà Tiina Tigerstedt - Giám đốc Quan hệ Công chúng và Truyền thông Quốc tế, Công ty Fennovoima (vận hành Nhà máy điện hạt nhân Hanhikivi 1) đến từ Phần Lan chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng nhận thức cộng đồng khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Giáo sư Vladimir Artisyuk - Phó Viện trưởng, Viện Giáo dục và Đào tạo thường xuyên Rosatom chia sẻ kinh nghiệm của nước Nga về kỹ thuật năng lượng hạt nhân, thông tin về các lò phản ứng (VVER-1000, AES-2006), hệ thống đào tạo đại học và sau đại học của Nga trong việc phát triển nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân dành cho các sinh viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM.
Diễn đàn các nhà cung cấp công nghiệp hạt nhân Atomex là một chuỗi các sự kiện thường niên tổ chức bởi Rosatom từ năm 2011 với mục đích tạo điều kiện cho các nhà cung ứng hạt nhân trên khắp thế giới đối thoại và hợp tác với nhau. Trước Atomex Asia 2014, Rosatom đã tổ chức các sự kiện tương tự tại Belarus, CH Séc, Nga và Nam Phi.
Tại TP HCM (Việt Nam), diễn đàn các nhà cung cấp công nghiệp điện hạt nhân khu vực châu Á 2014 sẽ diễn ra trong hai ngày 19 – 20/11.
Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn, từ ngày 18/11 đã diễn ra triển lãm ảnh “Năng lượng của sự hài hoà - Thiên nhiên xung quanh nhà máy điện hạt nhân” do nhiếp ảnh gia người Hungary Bálint Vincze thực hiện. Ông từng làm việc tại Trung tâm thông tin của nhà máy điện hạt nhân Pak trong 30 năm và thực hiện dự án mô tả sự đa dạng và độc đáo của thiên nhiên hoang dã xung quanh nhà máy điện hạt nhân. Bộ ảnh được triển lãm tại nhiều quốc gia, và gây tiếng vang bởi việc giới thiệu những hình ảnh hoàn toàn khác với trí tưởng tượng của công chúng về môi trường quanh nhà máy điện hạt nhân.
Được biết, tháng 10/2010, Liên bang Nga và Việt Nam đã ký thỏa thuận liên chính phủ về việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Tháng 11/2011, một hợp đồng khác đã được ký kết về việc Nga tham gia tư vấn xây dựng đề án trình Chính phủ Việt Nam phê duyệt về địa điểm và nghiên cứu khả thi cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Nhằm hỗ trợ sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam, Rosatom đã và đang giúp đỡ Việt Nam đào tạo chuyên gia về thi công và vận hành các cơ sở hạt nhân. Trong giai đoạn 2014 – 2015, hơn 340 sinh viên Việt Nam sẽ học tập tại các trường đại học, học viện của Nga theo các chuyên ngành công nghệ hạt nhân.
Rosatom cũng tổ chức các chương trình kiến tập tại các công trường nhà máy điện hạt nhân tại Nga cho các kỹ sư xây dựng Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2014, 150 chuyên viên Việt Nam đã hoàn tất khóa kiến tập tại công trường lò phản ứng số 3 và số 4 của nhà máy điện hạt nhân Rostov.
Hiện nay, tư vấn Nga cũng đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và bàn giao cho chủ đầu tư là EVN để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ tiến tới quá trình thiết kế và xây dựng.
Ngày 18/11, ông Nikolay Drozdov - Giám đốc kinh doanh quốc tế của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) - đơn vị tham gia thực hiện Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 cho biết, nhiều tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam tham gia diễn đàn điện hạt nhân lần này sẽ được cung cấp thông tin về quá trình lựa chọn thầu phụ của Rosatom. Quy trình đấu thầu sẽ được công khai nhằm bảo đảm yêu cầu an toàn chất lượng.
Mặc dù điện hạt nhân là lĩnh vực mới, song các công ty lớn của Việt Nam đã có kinh nghiệm thực hiện những dự án nhiệt điện, thủy điện lớn, nên có thể có điều kiện tham gia. Kinh nghiệm ở Trung Quốc và Ấn độ cho thấy tỷ lệ nội địa hóa khoảng 30 - 40%. Các công ty được chọn làm thầu phụ sẽ phải trải qua quá trình tập huấn và đầu tư một khoản nhất định.
|