Điện khí hoá nông thôn: Hành trình gian nan và tự hào

Điện khí hoá nông thôn là một trong những thành tựu quan trọng, nổi bật của Việt Nam. Nếu như thời điểm đất nước thống nhất năm 1975 chỉ có 2,5% hộ dân có điện, thì đến hết năm 2023, tỷ lệ này đã đạt tới 99,74%.

Đảng và Chính phủ luôn coi đầu tư đưa điện về nông thôn là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xoá đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội và chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn. Công cuộc điện khí hóa nông thôn ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn. Ở thời kỳ nào, người làm điện Việt Nam cũng đều nỗ lực không ngừng để đưa dòng điện tới những vùng sâu, vùng xa nhất của đất nước.

Ảnh minh họa

Khó khăn giai đoạn sau thống nhất đất nước

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, ở nông thôn miền Bắc, lưới điện phân phối được đầu tư rất nhỏ lẻ, chủ yếu để cấp điện cho các trạm bơm tưới tiêu phục vụ nông nghiệp, hoạt động không thường xuyên theo mùa vụ. Điện cũng được cấp phục vụ sản xuất cho một số nông trường, lâm trường quốc doanh. Một số lượng rất nhỏ dân cư nông thôn được sử dụng điện rất hạn chế trong sinh hoạt nhờ lưới điện của các trạm bơm nông nghiệp, các nông trường, lâm trường. Lúc đó, khu vực nông thôn miền Nam và miền Trung hoàn toàn chưa có điện, do điều kiện chiến tranh và mạng lưới điện chỉ cấp điện cho khu vực nội thị một số thành phố, thị xã, trung tâm các tỉnh lỵ và các khu vực quân sự. 

Từ năm 1975 cho tới cuối năm 1985 là thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, V. Trong thời kỳ này, ngành Điện được Nhà nước quan tâm, bố trí các nguồn vốn chủ yếu để phục hồi và xây dựng mới các công trình nguồn điện, lưới điện truyền tải. Điện năng lúc này ưu tiên cho sản xuất, cho các cơ sở kinh tế trọng điểm của Trung ương, địa phương và đáp ứng một phần nhu cầu điện sinh hoạt ở các thành phố lớn, thị xã, tỉnh lỵ với chủ trương triệt để tiết kiệm. 

Giai đoạn 1986 - 2015: Đẩy mạnh công cuộc điện khí hóa nông thôn

Từ năm 1986, khi nguồn điện dần được tăng cường, lưới điện phân phối bắt đầu được quan tâm đầu tư đồng bộ với lưới điện truyền tải. Khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng. 

Lúc này, điện khí hóa nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, liên tục qua các kỳ Đại hội Đảng từ khóa VII tới khóa XI, nhiệm vụ này luôn được đưa vào các Nghị quyết Đại hội Đảng với các chủ trương, định hướng lớn để Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền triển khai thực hiện. 

Vào năm 1990, mức độ cấp điện nông thôn vẫn còn rất nhỏ bé, với khoảng 14% hộ dân nông thôn được dùng điện. Trong giai đoạn 1990-1995, Chính phủ bố trí vốn ngân sách Trung ương cho Bộ Năng lượng đầu tư các công trình lưới điện trung thế, các trạm biến áp trung gian đưa điện về tới các trung tâm huyện lỵ. Trên nhiều tỉnh thành, phong trào đầu tư lưới điện nông thôn phát triển rộng khắp, mọi nguồn lực được huy động để xây dựng hạ tầng “điện - đường - trường - trạm". 

Trong các năm 1995 - 2000, công tác đưa điện về nông thôn phát triển mạnh trong toàn quốc với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cùng sự ủng hộ của người dân. Đối với EVN, giai đoạn này, trọng tâm được xác định là đầu tư lưới điện trung thế, nhằm đưa điện về các trung tâm huyện lỵ, trung tâm cụm xã. 

Trong nhiều năm, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", lưới điện nông thôn được đầu tư phát triển bằng nhiều nguồn vốn, dẫn đến nhiều hình thức sở hữu tài sản và mô hình quản lý khác nhau. Ngoài những nơi ngành Điện lực quản lý trực tiếp bán điện đến hộ dân nông thôn, chính quyền địa phương tỉnh, huyện, xã được giao trách nhiệm quản lý điện tại địa phương đã thành lập các tổ chức quản lý điện nông thôn với nhiều loại hình khác nhau như: Ban điện xã; Ban điện huyện; tổ, nhóm dân tự quản; thầu tư nhân; Hợp tác xã (HTX) dịch vụ điện năng; HTX dịch vụ tổng hợp; công ty điện - nước tỉnh; doanh nghiệp tư nhân; công ty cổ phần. Phần lớn các tổ chức này có năng lực hạn chế về tài chính, thiếu nhân sự chuyên môn về quản lý kỹ thuật và tài chính kế toán, dẫn đến tình trạng nhiều nơi không đảm bảo an toàn lưới điện và chất lượng điện, tổn thất điện năng cao, không minh bạch về tài chính và giá điện, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Với chủ trương thống nhất quản lý lưới điện quốc gia, Chính phủ chỉ đạo các địa phương, các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi bàn giao toàn bộ lưới điện trung thế cho EVN quản lý. Từ cuối năm 1999, EVN triển khai chương trình tiếp nhận và hoàn trả vốn lưới điện trung áp nông thôn (LĐTANT) do các địa phương đã đầu tư trước ngày 28/02/1999 theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Công tác chuyển giao quản lý lưới điện hạ áp nông thôn diễn ra mạnh mẽ nhất trong các năm 2008 - 2010, các Công ty Điện lực đã tiếp nhận lưới điện tại 3.942 xã với giá trị tài sản tiếp nhận hơn 2.703 tỷ đồng và bán điện trực tiếp tới thêm 3,879 triệu hộ dân nông thôn. Sau khi nhận bàn giao lưới điện hạ áp, các Tổng công ty Điện lực đã hoàn trả vốn cho các tổ chức quản lý điện nông thôn ở các địa phương, tiến hành sửa chữa cải tạo tối thiểu: Lắp đặt mới công tơ đo đếm điện năng, thay thế vật tư thiết bị đã xuống cấp hư hỏng để củng cố chất lượng lưới điện, nâng cao độ an toàn và chất lượng điện năng, giảm tổn thất điện năng.

Tới cuối năm 2015, các Tổng công ty Điện lực cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại 5.466 xã với trên 7,5 triệu hộ dân sử dụng điện. Hệ thống điện nông thôn được quản lý vận hành bằng lực lượng chuyên môn, kỹ thuật chuyên nghiệp của EVN, có độ tin cậy an toàn và chất lượng điện đảm bảo theo yêu cầu. Người sử dụng điện ở nông thôn được mua điện theo giá Nhà nước quy định thống nhất trong toàn quốc, được hưởng các dịch vụ về điện cũng như các quyền lợi như người sử dụng điện khu vực đô thị. 

Giai đoạn 2016 đến nay: Cung ứng điện ổn định, tin cậy cho hầu hết hộ dân

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện chương trình này, EVN đã tập trung tiếp nhận, từng bước cấp điện cho các huyện đảo và xã đảo. 

Trong đó, từ ngày 1/8/2017, EVN chính thức tiếp nhận, quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành toàn bộ hệ thống điện trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Do vị trí địa lý cách xa đất liền và bao gồm nhiều đảo, điểm đảo trải dài trên vùng biển rộng lớn, nên việc quản lý cung ứng điện cho quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 khó khăn hơn bội phần. Trong quá trình vận hành hệ thống điện nơi đầu sóng ngọn gió, hệ thống điện thường xuyên phải hứng chịu giông, bão khắc nghiệt. Đó là những khó khăn mà người làm điện phải đối diện, khi “cõng điện” vượt sóng.

Ảnh minh họa

Nổi bật trong giai đoạn này, tháng 10/2022, EVN đã đóng điện, vận hành công trình đường dây 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc dài 80,4 km với 117 trụ tháp vượt biển. Đây là công trình đường dây vượt biển trên không cấp điện áp 220kV dài nhất khu vực Đông Nam Á, được triển khai lần đầu tại Việt Nam, do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) khởi công từ năm 2019. Công trình giúp nâng cao năng lực cung cấp điện cho đảo Phú Quốc tăng khoảng 6 lần và có thể đáp ứng nhu cầu điện trên đảo đến năm 2035.

Với vai trò chủ lực, nòng cốt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đưa điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Tới hết năm 2023, 100% số xã trên cả nước đã có điện, số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 99,6%.

Hiện nay, EVN vẫn đang nỗ lực phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan để đưa ánh điện sáng tới hầu hết các hộ dân nông thôn. Song song đó, EVN cũng không ngừng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ điện, dịch vụ chăm sóc khách hàng; nỗ lực để người dân nông thôn, biển đảo được sử dụng, trải nghiệm những dịch vụ điện 4.0 hiện đại và tiện lợi. 

Từ năm 2000 đến 2015 là giai đoạn điện nông thôn ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhất, tính trung bình mỗi ngày trên đất nước ta có thêm khoảng 1.300 hộ dân nông thôn được cấp điện. 

(Trích lược sách Điện lực Việt Nam - Quá trình phát triển và cập nhật, bổ sung thông tin)
 


  • 13/03/2024 09:47
  • Nguồn: Chuyên đề Quản lý & Hội nhập Tạp chí Điện lực
  • 5968