|
Tọa đàm về ngành Thép, Xi măng, nhưng có rất nhiều câu hỏi liên quan đến giá điện |
Để việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo cơ cấu giá điện bán lẻ, trong đó có biểu giá điện riêng cho ngành thép và xi măng, cao hơn các ngành sản xuất khác, tăng từ 2 - 16% so với hiện tại…
Dự thảo này đang gây nhiều tranh cãi, đặc biệt gặp sự phản ứng quyết liệt từ hai ngành Thép và Xi măng. Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến khẳng định: Không nên có sự phân biệt, đối xử giữa các doanh nghiệp. Có ý kiến còn cho rằng, việc xây dựng giá điện riêng cho ngành Thép, Xi măng là “cố tình tạo sức ép cho hai ngành này, ép các doanh nghiệp thép và xi măng phải đổi mới, đầu tư công nghệ tiêu tốn ít điện năng”.
Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Bùi Quang Chuyện - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương khẳng định: Nếu cho rằng ngành Điện đang tạo sức ép để ngành Thép và Xi măng phải đổi mới công nghệ là chưa hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, việc đổi mới công nghệ trước hết là vì lợi ích của chính doanh nghiệp, nhằm giảm chi phí sản xuất, ngoài ra còn vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp vớii môi trường và cộng đồng.
Theo ông Chuyện, hiện giá điện tại Việt Nam chưa theo kịp giá thị trường, rẻ hơn các nước trong khu vực nên việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện gặp khó khăn, Do đó, ngành Điện buộc phải tăng giá để bù lỗ. “Muốn mời gọi nhà đầu tư thì giá bán điện phải tiến gần giá thị trường. Việc khuyến khích hạn chế sử dụng điện, sử dụng điện vào giờ thấp điểm, không khuyến khích sử dụng công nghệ tiêu hao điện năng là điều cần thiết…” – ông Chuyện nhấn mạnh.
Trước câu hỏi “Dự thảo về giá điện cho ngành Thép và Xi măng cao hơn từ 2 đến 16% có hợp lý hay không”? Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, trước khi quyết định tăng giá điện cho thép và xi măng lên là bao nhiêu, Chính phủ, Bộ Công Thương cần căn cứ vào tình hình thực tế tiêu thụ năng lượng của ngành Thép và Xi măng hiện nay, xem xét các tác động cụ thể của việc tăng giá điện ảnh hưởng đến tình hình chung của nền kinh tế như thế nào, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động ra sao... để đưa ra mức tăng hợp lý.
Về vấn đề này, ông Bùi Quang Chuyện khuyến nghị: Ngành Thép, Xi măng cần đưa ra được mức tiêu hao năng lượng thực tế, những tác động cụ thể từ việc tăng giá điện… sau đó có báo cáo chi tiết gửi lên Bộ Công Thương, để làm căn cứ tính toán thời điểm và mức tăng giá điện hợp lý cho 2 ngành này.