Trong năm 2011, dự báo đầu năm thiếu hụt nguồn điện cung cấp nên Công ty đã chủ động lập phương án cung ứng điện và cẳt điện luân phiên, được UBND tỉnh phê duyệt...
Tuy nhiên, nhờ nguồn cung dồi dào nên phương án cắt điện không phải thực hiện, mà chỉ ngừng cung cấp điện để bảo dưỡng, sửa chữa đường dây theo định kỳ. Không những vậy, một số khu vực sản xuất có nhu cầu điện năng tăng cao Công ty đều đáp ứng kịp thời. Nhờ vậy 9 tháng đầu năm 2011 Công ty đã đạt được sản lượng điện thương phẩm 306,6 triệu kWh, doanh thu 314,8 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ.
Để tiết kiệm và nâng cao chất lượng điện năng, Công ty đã đầu tư cải tạo nâng cấp các tuyến dây dẫn và hệ thống các trạm biến áp. Trong đó hầu hết các trạm biến áp 110 kV đã được thay thế bằng trạm 220 kV nên chất lượng điện năng nâng cao, không còn tình trạng sụt áp như trước đây. Đặc biệt, Công ty trang bị thiết bị cắt phân đoạn trên các tuyến nên khi xảy ra sự cố về lưới điện không ảnh hưởng ra diện rộng, nhờ vậy mà hạn chế đến mức thấp nhất sự cố mất điện bất ngờ xảy ra.
Đặc biệt từ đầu năm đến nay, Quảng Bình đã liên tiếp hứng chịu nhiều trận lũ lụt lớn, khiến nhiều máy biến áp bị ngập nước. Như các trạm Mai Sơn (160 kVA) tại xã Mai Thủy, Trạm Ngô Bắc (180 kVA) xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy; Trạm Tả Phan (160 kVA) xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh... với tinh thần bằng mọi giá phải đưa các trạm biến áp vào vận hành sớm nhất, phục vụ khắc phục hậu quả sau lũ lụt, nhân viên của Công ty đã không kể ngày đêm nhanh chống đưa các trạm vào hoạt động. Ngoài ra, trên tuyến điện dọc QL 12A có nhiều cột điện di sát mép ta luy âm và ta luy dương, năm nào cũng xảy ra sự cổ sạt lở làm hư hỏng nhiều cột điện. Trước mùa mưa bão năm nay, Công ty đã tiến hành khảo sát di dời hàng chục cột ở khu vực xã Trọng Hóa, Dân Hóa. Nhờ vậy mà hạn chế được sự cố xảy ra, bảo đảm cung ứng điện thông suốt trong mùa mưa.
Điều đáng ghi nhận nữa ở Công ty Điện lực Quảng Bình là sau khi nhận bàn giao lưới điện nông thôn, Công ty đã tích cực đầu tư, nâng cấp và tổ chức quản lý phân phối điện khá tốt. Bình quân một hộ dùng điện nông thôn khi Công ty tiếp nhận được đầu tư khoảng 500 nghìn đồng để thay thế công tơ va chi phí đấu nối, tổng số tiền đầu tư cho một xã từ 8-10 tỷ đồng.
Thời gian qua, Công ty đã tiếp nhận và đầu tư trên 70 xã, 3 tháng cuối năm 2011, Công ty tiếp tục đầu tư 30 tỷ đồng cho lưới điện nông thôn, trong đó cải tạo tuyến đường dây hết 22 tỷ đồng ... Việc tiếp nhận mạng lưới điện nông thôn để quản lý đã làm giảm tổn thất điện năng xuống đáng kể. Nếu như trước đây, tỷ lệ tổn thất điện năng trên toàn tuyến là 20%, sau khi tiếp nhận, tỷ lệ này còn khoảng 8,2%.
Nhờ tiết kiệm điện năng và đầu tư cải tạo lưới điện, thực hiện có hiệu quả các biện pháp tiết kiệm điện nên Công ty có thêm sản lượng điện để phục vụ nhu cầu trên địa bàn. Đồng thời giúp giá bán điện bình quân ở các vùng nông thôn giảm nhiều so với trước. Hiện tại, Công ty đã bán giá bình quân 1.131 đồng/kWh (trước thuế). Riêng đối với huyện Minh Hóa, thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện theo Quyết định số 268/QĐ-TTg của Chính phủ, toàn huyện có 7.340/11.400 khách hàng sử dụng điện thuộc 16 xã, thị trấn được hỗ trợ giá điện.