Trong quá trình thực hiện, Điện lực Sơn Trà đã làm việc với khách hàng, ký phụ lục hợp đồng và tư vấn cho khách hàng những lợi ích sau khi lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu từ xa. Theo đó, toàn bộ các thông tin tại hệ thống đo đếm (công suất tiêu thụ, dòng điện, điện áp, biểu đồ phụ tải, cosφ, chỉ số điện năng tiêu thụ…) sẽ được lưu trữ vào hệ thống cơ sở dữ liệu tại Công ty và được hiển thị thông tin tại trang Web http://mdms.dnp.com.vn:8080.
Khách hàng có thể dễ dàng truy cập, nắm rõ thông tin, tình hình sử dụng điện của mình, từ đó, chủ động đưa ra giải pháp, bố trí lại dây chuyền sản xuất kinh doanh, sử dụng điện hợp lý và tiết kiệm hơn. Với hệ thống này, chỉ số công tơ sẽ được đồng bộ từ hệ thống thu thập dữ liệu từ xa vào chương trình CMIS để tính toán phát hành hóa đơn, giảm phiền hà cho khách hàng so với việc nhân viên đến nhà ghi số điện trực tiếp. Ngoài ra, khách hàng có thể giao tiếp 2 chiều với Điện lực qua trang Web, khi có thắc mắc liên quan đến hệ thống đo đếm.
Khai thác hiệu quả hệ thống thu thập dữ liệu từ xa của ngành Điện đã giúp khách hàng dễ dàng truy cập, nắm rõ tình hình sử dụng điện của mình. Ảnh: CTV
|
Việc lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống thu thập dữ liệu từ xa cũng mang lại nhiều lợi ích trong quá trình quản lý của Điện lực. Để khai thác và sử dụng có hiệu quả các dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý kinh doanh, kỹ thuật và giám sát mua bán điện; Giám đốc Điện lực Sơn Trà đã giao các cá nhân, đơn vị liên quan thực hiện khai báo, cập nhật, khai thác dữ liệu tại các địa chỉ trang web được Công ty xây dựng như: http://mdms.dnp.com.vn:8080, http://dnpc.ifc.com.vn; phần mềm ứng dụng AMISSCLIENT_DNPC hay mới đây nhất là tiện ích quản lý kỹ thuật từ hệ thống thu thập từ xa AMI.
Đối với công tác kinh doanh, thông qua hệ thống thu thập số liệu từ xa, đơn vị sẽ thực hiện khai báo các điểm đo mới phát sinh, cập nhật kịp thời khi thay đổi thông tin điểm đo như hệ số nhân, dung lượng MBA... Theo dõi, kiểm tra tình hình vận hành các điểm đo hàng ngày nhằm phát hiện, xử lý các điểm đo bị lỗi theo qui định không quá 3 ngày. Sử dụng các dữ liệu có trên chương trình như: Thông số vận hành, chỉ số chốt, sản lượng, biểu đồ phụ tải, v.v... phục vụ cho công tác quản lý kinh doanh, tính toán truy thu sản lượng, đưa các chỉ số từ xa vào chương trình CMIS theo lịch ghi chỉ số để tính toán phát hành hóa đơn.
Ngoài ra, dữ liệu có trên chương trình cũng được phục vụ kiểm tra giám sát mua bán điện. Tổ kiểm tra giám sát mua bán điện có thể lấy các khách hàng có thông số sử dụng điện bất thường để phân tích, kiểm tra theo dõi, đồng thời làm việc với các khách hàng có cosφ thấp, tư vấn lắp đặt thêm các thiết bị bù theo qui định.
Hệ thống thu thập dữ liệu từ xa cũng mang lại nhiều lợi ích trong quá trình quản lý của ngành Điện. Ảnh: CTV
|
Trong công tác quản lý kỹ thuật, qua việc khai thác và phân tích các thông số, Điện lực sẽ xác định chính xác được tình trạng vận hành tại các TBA như non tải, quá tải, mất đối xứng pha, điện áp hoặc cosφ thấp…. Từ đó, đề xuất biện pháp xử lý kịp thời, nâng cao chất lượng điện năng, sớm phát hiện sự cố liên quan đến TBA, kiểm tra và khắc phục. Một tiện ích khác của hệ thống thu thập số liệu từ xa là sử dụng dữ liệu chỉ số chốt trong ngày tại các điểm đo là TBA, từ đó có thể tính toán tổn thất trung áp chính xác nhờ chỉ số của công tơ xuất tuyến và chỉ số công tơ các TBA được lấy tại cùng một thời điểm.
Song song với việc lắp đặt hệ thống thu thập số liệu đo đếm từ xa, hiện nay Điện lực Sơn Trà đã triển khai lắp đặt công tơ điện tử RF tích hợp bộ phát sóng vô tuyến RF cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Trong năm 2013, Điện lực đã triển khai lắp đặt được khoảng 2.500 công tơ điện tử RF, đồng bộ cho 05 lộ trình. Trong năm 2014, dự kiến sẽ tiếp tục lắp đồng bộ cho 65 lộ trình với số lượng 12.480 công tơ. Với công nghệ đọc chỉ số công tơ từ xa bằng sóng RF, chỉ số công tơ sẽ được thu thập đồng loạt theo lộ trình và từ xa bằng thiết bị cầm tay Handheld Unit. Dữ liệu chỉ số sau khi thu thập sẽ được ghép vào chương trình CMIS để tính toán phát hành hóa đơn mà không phải nhập bằng tay. Đối với các TBA dân dụng, việc triển khai lắp đặt song song hệ thống thu thập dữ liệu từ xa tại công tơ tổng TBA và lắp công tơ điện tử RF đồng bộ cho các khách hàng thuộc TBA thì công tác tính toán, phân tích, xử lý tổn thất hạ áp sẽ được chính xác và hiệu quả hơn rất nhiều.
Thời gian tới, Điện lực Sơn Trà sẽ tiếp tục chủ động triển khai lắp đăt hệ thống thu thập số liệu đo đếm từ xa và lắp đặt đồng bộ công tơ điện tử RF. Qua đó, có thể khai thác những lợi ích to lớn từ công nghệ mang lại trong công tác quản lý kinh doanh, kỹ thuật, kiểm tra giám sát mua bán điện đặc biệt là giảm rủi ro và nâng cao an toàn lao động.