Cuộc sống mới ở khu dân cư mới
Đến khu dân cư (KDC) mới Chàng Riệc (ấp Tân Khai, xã Tân Lập, H.Tân Châu, Tây Ninh), nghe bà con thay phiên nhau kể chuyện được Nhà nước cấp nhà, cấp đất sản xuất, ổn định cuộc sống. Ông Vũ Mạnh Tường, Bí thư Chi bộ ấp Tân Khai, cho biết KDC được thành lập từ tháng 4.2012, đến nay đã có 296 hộ từ 5 huyện của tỉnh Tây Ninh về đây sinh sống, trong đó có 61 hộ người dân tộc Khmer, Chăm, Nùng, Thái và Tà Mun.
Hầu hết bà con trước khi đến đây đều là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình thuộc diện chính sách. Mỗi hộ được cấp 1 công đất thổ cư (1.000 m2), trên đó có căn nhà 45 m2 mái tôn, nền lót gạch tàu, có đầy đủ điện, nước sạch, nhà vệ sinh. KDC được quy hoạch đồng bộ, với hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh như đường giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế và chợ.
Về nơi ở mới, mỗi hộ còn được cấp 1 ha đất để sản xuất, chủ yếu trồng mì và mía. Ông Tường cho biết khi mới về đây, bà con được Nhà nước cho vay 15 triệu đồng/hộ, trả dần trong 3 năm, lãi suất 0,65%/tháng. Nhờ có đất và có vốn ban đầu, cuộc sống của phần lớn bà con đã thay đổi nhiều so với trước kia, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, thu nhập bình 19 triệu đồng/người/năm.
Một góc khu dân cư Chàng Riệc (Tây Ninh)
|
Cấp điện cho vùng giáp ranh nước bạn
Ông Nguyễn Hữu Lễ, Phó giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh, cho biết Chàng Riệc là 1 trong 3 KDC mới dọc biên giới tỉnh Tây Ninh, được công ty quan tâm đầu tư mạng lưới điện nông thôn, theo chỉ đạo của EVN SPC và UBND tỉnh. Hiện nay, Công ty Điện lực Tây Ninh đang cung cấp điện cho hầu hết nhân dân tại các xã vùng biên giới, khu kinh tế tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, đặc biệt là cung cấp điện ổn định cho một số khu vực 2 tỉnh của Campuchia là Campông Cham và Svay Riêng giáp ranh với VN theo Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Chính phủ VN và Chính phủ Campuchia tại 6 điểm: Vacsa - Daunroth và Chàng Riệc - Daung Prampy Deum (H.Tân Châu); XaMat - Trapeang Thlong và Tân Phú - Anlung Chrey (H.Tân Biên); Mộc Bài - Bavét 1 và Mộc Bài - Bavét 2 (H.Bến Cầu). “Việc cung cấp điện ổn định, liên tục tại các khu vực vùng biên nhằm góp phần phục vụ chính trị, cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng cho Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung”, ông Lễ nhấn mạnh.
Ông Lễ cũng cho biết từ năm 1998 đến nay, Tây Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện việc tiếp nhận lưới điện nông thôn và tổ chức bán lẻ đến từng khách hàng. Trước khi tiếp nhận, lưới điện nông thôn chủ yếu do các tổ điện và người dân tự đầu tư, do đó không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, mất an toàn, đặc biệt là hao hụt rất lớn, dẫn đến người dân phải mua điện cao gấp 4 - 5 lần giá Chính phủ quy định. Trước tình hình trên, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và EVN SPC, Công ty Điện lực Tây Ninh đã phối hợp với Sở Công nghiệp (nay là sở Công thương) tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án tiếp nhận lưới điện nông thôn, giao toàn bộ lưới điện nông cho Công ty Điện lực quản lý bán lẻ đến từng hộ dân. Đến nay, số hộ dân có điện trên địa bàn tỉnh là 290.435/291.868 hộ, đạt 99,48%; số hộ dân ở nông thôn có điện là 237.079/238.598 hộ, đạt 99,36% và 100% số xã, ấp có điện lưới quốc gia.
Công ty Điện lực Tây Ninh còn quan tâm đưa điện đến những vùng căn cứ cách mạng như T.Ư cục miền Nam, địa đạo An Thới (Rừng Rong), chiến khu Bời Lời... Hầu hết nhân dân sinh sống ở các vùng căn cứ cách mạng đã được cấp điện từ lưới điện quốc gia. Đặc biệt là việc xây dựng đường dây và trạm biếp áp 110 kV cung cấp điện cho khu Liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời, là một trong những khu công nghiệp đã và đang được đầu tư, phát triển mạnh tại Tây Ninh.