Mất điện vì nhiều lý do
Đã thành một quy luật “bất biến”, nắng nóng gay gắt sẽ kéo theo tình hình phụ tải liên tục tăng cao, nhiều sự cố về điện vì thế cũng xảy ra, càng làm cho tình hình cung ứng điện thêm khó khăn.
Ông Ngô Tấn Cư – Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng nhớ lại: Nguyên nhân gây sự cố về điện thời điểm đó, trước hết phải kể đến một số sự cố do thời tiết xấu như áp thấp nhiệt đới, giông sét, mưa axít, sương muối… gây ngắn mạch. Là thành phố biển, trong mùa nắng nóng các thiết bị điện tại Đà Nẵng bị bụi bám lên bề mặt nhiều, gặp thời tiết có mưa rào dễ làm phóng điện gây sự cố. Ngoài ra, các sự cố do vi phạm an toàn hành lang lưới điện cũng thường xuyên xảy ra. Từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là mùa xây dựng dân dụng, trong quá trình người dân xây nhà, dựng dàn giáo, lắp bảng quảng cáo, xe thi công phun bê tông, xe ben, xe cẩu chạm vào đường dây gây sự cố. Đây cũng là thời điểm người dân thu hoạch cây trồng lâu năm như keo lá tràm, bạc hà… trong quá trình làm việc làm cây ngã, đổ vào đường dây.
“Nếu “mổ xẻ” kỹ, có thể thấy nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phối hợp giữa ngành Điện với người dân và chính quyền địa phương về hành lang an toàn lưới điện còn nhiều hạn chế. Chính quyền địa phương chưa vào cuộc một cách quyết liệt dẫn đến nguy cơ gây sự cố về điện luôn tiềm ẩn”, ông Ngô Tấn Cư khẳng định.
Điều đáng nói, tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, nguồn điện lớn và thường xuyên được sử dụng, đặc biệt trong mùa nắng nóng được huy động với công suất cao cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chập điện và gây cháy, làm gián đoạn cung cấp điện. Theo Phòng cảnh sát PCCC Công an TP Đà Nẵng, nguyên nhân gây ra vụ cháy ngày 8/8/2010 tại Công ty CP sản xuất thương mại Hữu Nghị (đóng tại Khu công nghiệp Đà Nẵng) xuất phát từ việc aptomat ở phòng lưu mẫu bị chập điện do sử dụng quá nhiều, dẫn đến cháy nổ dây chuyền ở aptomat tổng. Đồng thời, các bột than bị cháy bắn tia lửa xuống khu vực kho. Tại đây có nhiều hộp carton rất dễ bắt lửa, nên đám cháy đã bùng phát, gặp gió lan rộng ra toàn bộ nhà kho.
PC Đà Nẵng xử lý sự cố nhanh để đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng
|
Nỗ lực gỡ khó
Anh Nguyễn Chính – Công nhân bộ phận Xử lý sự cố, Đội Quản lý vận hành đường dây và TBA, Điện lực Sơn Trà cho biết: Làm việc tại bộ phận xử lý sự cố, những lúc cao điểm hàng ngày chúng tôi nhận hàng chục cuộc điện thoại của khách hàng với thái độ bức xúc vì mất điện và yêu cầu xử lý sự cố. Trong đó, không ít khách hàng khó tính, thiếu sự cảm thông, thậm chí “nói tục, chửi bậy”. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn túc trực 24/24h, “đi sớm về khuya” xử lý bất kỳ sự cố nào khi người dân yêu cầu, đồng thời vừa thuyết phục, giải thích để khách hàng có thể chia sẻ, cảm thông cùng với khó khăn của ngành Điện.
Hằng năm, trước mùa nắng nóng, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm suất sự cố, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ khách hàng. Theo đó, các Điện lực và Đội quản lý vận hành đường dây tăng cường kiểm tra, sửa chữa hệ thống tiếp địa, tình trạng vận hành của dây dẫn, cáp và thiết bị điện nhằm ngăn ngừa các sự cố do rò điện xảy ra. Đồng thời, PC Đà Nẵng còn tiến hành phân tích, phân vùng khu vực có phụ tải cao, hoặc khu vực tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố do tác động của thiên nhiên như giông sét, nhiễm mặn, nhiễm bẩn, từ đó xây dựng kế hoạch và giải pháp kịp thời khắc phục. Tuy nhiên, nhìn lại thời điểm năm 2010, nắng nóng gay gắt diễn ra trên cả ba miền đất nước, đồng thời mực nước về các hồ thủy điện miền Bắc và miền Trung cũng thấp hơn mức trung bình nhiều năm dẫn đến thiếu nguồn. Theo đó, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng phải thực hiện tiết giảm điện trên toàn địa bàn nhưng vẫn ưu tiên cấp điện cho các khu vực là Trung tâm chính trị, kinh tế, bệnh viện và một số khu vực trọng yếu khác. Bên cạnh đó, lịch tiết giảm điện cũng thường xuyên được thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, giúp người dân chủ động trong sản xuất và sinh hoạt. Các hình thức tuyên truyền tiết kiệm điện cũng được PC Đà Nẵng tích cực triển khai, nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay cùng ngành Điện đảm bảo cung cấp điện an toàn trên địa bàn Thành phố.
Trong quản lý, vận hành, Công ty còn tiến hành phân tích, và thông báo đến các đơn vị về suất sự cố xảy ra theo tháng, quý; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn liên quan đến sửa chữa điện, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng quản lý vận hành, từ đó nâng cao năng lực cho CBNV trong việc xử lý sự cố… Với việc áp dụng đồng loạt các giải pháp trên, suất sự cố xảy ra trong mùa nắng nóng (từ tháng 5 – 8) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã giảm đi đáng kể. Nếu như năm 2010, con số này là 37 lần thì đến năm 2011 đã giảm xuống còn 29 lần và năm 2012 là 26 lần.
Tuy nhiên, ông Ngô Tấn Cư cho rằng, không chỉ riêng tại Đà Nẵng, tại rất nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước, việc người dân vi phạm an toàn hành lang lưới điện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình cung cấp điện của các địa phương. Điển hình là sự cố ngày 22/5/2013 gây mất điện toàn bộ 22 tỉnh thành phía Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, PC Đà Nẵng nói riêng và ngành Điện nói chung cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương, giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện, tăng cường công tác quản lý bảo vệ, tránh xảy ra tai nạn điện trong nhân dân, các sự cố do cây ngã, đổ vào đường dây và sự cố thiết bị tại các TBA 110 kV.
Mùa khô năm 2010 tại Đà Nẵng (từ tháng 5 – 8):
- Sự cố lưới điện 22 kV: 35 lần
- Sự cố lưới điện 0,4 kV: 2 lần
Mục tiêu trong giai đoạn 2013 – 2015, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng không để xảy ra sự cố chủ quan, đồng thời số vụ sự cố năm sau giảm 5% so với năm trước.
|