|
Ông Phạm Sỹ Hùng - Phó Tổng giám đốc EVN CPC |
PV: Việc chuyển sang sử dụng 100% hóa đơn điện tử trên địa bàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên tạo thuận lợi gì cho khách hàng sử dụng điện, thưa ông?
Ông Phạm Sỹ Hùng: Đối với khách hàng có phương tiện điện tử như máy tính, Ipad, Iphone sẽ nhận thông báo tiền điện và thông tin chi tiết hóa đơn qua email hoặc tin nhắn SMS. Đồng thời khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua Internet Banking, SMS Banking mà không tốn thời gian di chuyển.
Thông qua trang Web chăm sóc khách hàng của EVN CPC, khách hàng dễ dàng nắm được tình hình sử dụng điện, thanh toán, tình hình cung cấp điện hay đăng ký sử dụng điện của mình.
Đồng thời, việc kê khai thuế của khách hàng với Cơ quan thuế sẽ nhanh chóng và thuận lợi hơn so với hóa đơn giấy trước đây. Riêng Cơ quan Thuế không cần lưu trữ hóa đơn GTGT tiền điện bằng giấy mà chỉ lưu file mềm về thông tin hóa đơn tiền điện khách hàng kê khai và xác thực tính chính xác của hóa đơn thông qua trang Web chăm sóc khách hàng của ngành Điện.
Đối với những khách hàng không có điều kiện truy cập internet để nhận HĐĐT sẽ được nhân viên thu ngân giao Biên nhận thanh toán tương tự như hóa đơn tiền điện, sau khi đã thanh toán.
PV: Với địa bàn rộng gồm nhiều khu vực dân cư miền núi, hải đảo, việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử liệu có khó khăn trở ngại gì không, thưa ông?
Ông Phạm Sỹ Hùng: Quản lý 13 công ty điện lực ở 9 tỉnh, thành phố Duyên dải miền Trung và 4 tỉnh Tây Nguyên trong khi khách hàng tại thành phố, thị xã, thị trấn chỉ chiếm 40%, khách hàng nông thôn, miền núi, hải đảo chiếm 60% là một khó khăn không nhỏ.
Trình độ tiếp cận công nghệ của khách hàng, cơ sở hạ tầng viễn thông tại một số khu vực miền núi, hải đảo còn hạn chế, đặc biệt thói quen sử dụng hóa đơn GTGT tiền điện (bằng giấy) đã "in" sâu trong tiềm thức của khách hàng hàng chục năm nay nên thay đổi thói quen sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Do đó, để có thể áp dụng 100% hóa đơn điện tử trên địa bàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần phải có những bước đi phù hợp.
PV: Bước đi phù hợp đó cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Sỹ Hùng: Trước khi triển khai hóa đơn điện tử trên diện rộng, EVN CPC đã khảo sát tình hình khách hàng và cơ sở hạ tầng tại mỗi đơn vị, bởi mỗi đơn vị có đặc thù khác nhau (trình độ dân trí, tình hình khách hàng sử dụng phương tiện điện tử máy tính, Ipad, Iphone, điện thoại, cơ sở hạ tầng Máy tính-Viễn thông, tuổi đời cán bộ thu ngân… ). Từ đó, EVN CPC chọn phương án triển khai, lập kế hoạch công việc tổng thể và phối hợp với các cơ quan liên quan, tuyên truyền về hóa đơn điện tử trên các phương tiện truyền thông.
Đồng thời, EVN CPC còn tổ chức đào tạo về hóa đơn điện tử cho lãnh đạo, chuyên viên nghiệp vụ, thu ngân, cán bộ nhân viên các đơn vị có liên quan; tổ chức hội nghị phổ biến cho khách hàng việc áp dụng HĐĐT; gửi thư ngỏ về đóa đơn điện tử đến từng khách hàng sử dụng điện; xây dựng trang web chăm sóc khách hàng, hộp thư email và mẫu Biên nhận thanh toán tiền điện thống nhất cho tất cả các đơn vị trên toàn Tổng công ty.
Có thể nói, chúng tôi đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị và chuyển sang sử dụng 100% hóa đơn điện tử cho khách hàng sử dụng điện trên địa bàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên, bắt đầu từ 1/8/2014.
PV: Cảm ơn ông!