Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là “Tối ưu hóa chi phí”, EVN NPC đã xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về tăng doanh thu, giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, hiệu quả sử dụng lao động và chỉ tiêu tối ưu hóa chí phí trong đầu tư xây dựng.
Kết quả 6 tháng đầu năm, EVN NPC ước thực hiện các chỉ tiêu tối ưu hóa chí phí đạt 1.103 tỷ đồng, trong tổng chỉ tiêu dự kiến thực hiện là 2.290 tỷ đồng (tương đương khoảng 50%). Đồng thời, EVN NPC còn đặt ra các chỉ tiêu cụ thể về tối ưu hóa chi phí giai đoạn 2014 – 2016.
|
6 tháng đầu năm 2014, tối ưu hóa chi phí tại EVN NPC đạt kết quả tương đối khả quan - Ảnh: PT |
Đánh giá cao kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2014 của EVN NPC, ông Mai Quốc Hội – Thành viên Hội đồng thành viên EVN nhấn mạnh, tối ưu hóa chi phí không đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí. Vì vậy, trong thời gian tới EVN NPC cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa, thực hiện các chỉ tiêu về giảm tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả cung ứng điện để tăng doanh thu, xem xét lại các “khâu” chưa tối ưu để thực hiện tối ưu hóa chi phí một cách triệt để.
Cũng tại cuộc họp, bà Đỗ Thị Nguyệt Ánh – Phó tổng giám đốc EVN NPC cho biết, ngày 13/6/2012, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5079/BCT-ĐTĐL cho phép áp dụng linh hoạt giá giờ cao điểm mùa khô theo Biểu giá chi phí tránh được đối với các đơn vị thuỷ điện nhỏ (dưới 30 MW) trên toàn quốc. Với cơ chế này, doanh thu của các nhà máy thuỷ điện nhỏ phần nào được cải thiện và giảm một phần khó khăn trước mắt đối với các chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, do các nhà máy thủy điện nhỏ dịch chuyển giờ cao điểm để phát tối đa 5 giờ cao điểm/ngày nên giờ cao điểm của các nhà máy đăng ký dịch chuyển giờ không trùng với giờ cao điểm theo quy định chung. Công tơ đo đếm điện mua từ các nhà máy thủy điện chỉ cài đặt được một thang biểu giá duy nhất, nên khi đã cài đặt cao điểm lệch giờ sẽ không xác định được sản lượng điện nhận cao điểm theo quy định. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí mua điện của EVN NPC.
Bên cạnh đó, những tác động của tự nhiên như bão, lũ cũng tác động đến quá trình thực hiện tối ưu hóa chi phí của EVN NPC. Điển hình như bão số 2 vừa đổ bộ vào một số tỉnh khu vực phía Bắc đã làm thiệt hại hơn 21 tỷ đồng cho EVN NPC.
Giải quyết vấn đề này, ông Đinh Quang Tri yêu cầu, trước mắt EVN NPC cần tích cực vận động khách hàng hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm, thay vào đó tích cực sử dụng điện vào giờ thấp điểm. Về lâu dài, EVN sẽ cùng với EVN NPC và các bộ, ngành liên quan tìm phương án khắc phục, tháo gỡ khó khăn. Với chi phí phát sinh do thiên tai, EVN NPC phải có thống kê, báo cáo cụ thể. Bên cạnh đó, EVN NPC cũng cần rà soát lại chương trình đầu tư hàng năm, xây dựng kế hoạch cụ thể và dài hạn, từ đó có phương án thu xếp nguồn vốn hợp lý; Thiết lập hệ thống thông tin online đối với đường dây 35 kV, 110 kV, 220 kV về trung tâm điều hành, xác định được trạm quá tải, non tải, từ đó lập chương trình đầu tư.
“Tối ưu hóa chi phí là việc làm thường xuyên, vì vậy EVN NPC cần xây dựng cụ thể, chi tiết các chỉ tiêu đến từng khâu, từng lĩnh vực, đơn vị, với mục tiêu chi phí thấp nhất nhưng lợi nhuận cao nhất nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ cung cấp điện cho khách hàng”, Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri nhấn mạnh.
Một số chỉ tiêu tối ưu hóa chi phí năm 2014 của EVN NPC:
- Tăng giá bán bình quân: 3 đồng/kWh
- Tiết kiệm điện: 557 triệu kWh
- Tiết kiệm điện tự dùng tại các TBA: 5%
- Tối ưu hóa chi phí sửa chữa lớn: 5%
- Tối ưu hóa chi phí vật tư thiết bị tồn kho: 10%
- Thanh lý vật tư thiết bị kém phẩm chất: 30 tỷ đồng
- Thanh xử lý công nợ khó đòi: 100 %
- Thanh xử lúy tài sản cố định không cần dùng: 100%
- Tiết kiệm trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng: 5%
|