Đưa điện về các bản làng vùng cao tỉnh Quảng Nam
|
Tại tỉnh Quảng Nam, điện đã được đưa tới tất cả số xã nhưng vẫn còn những hộ dân ở vùng cao do địa hình phức tạp, giao thông cách trở nên chưa được dùng điện lưới. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đang thực hiện việc sắp xếp dân cư, đảm bảo các cụm dân cư có từ 30 hộ dân sinh sống trở lên để thuận lợi cho việc cấp điện theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Mùa đông năm nay, thêm 650 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn bản hẻo lánh của 6 xã vùng cao huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam được dùng điện. Để đưa được điện lưới quốc gia về thắp sáng cho các hộ gia đình đồng bào Cor và Ca Dong nơi đây, ngành Điện đã đầu tư 18 km đường dây trung áp, hơn 21 km đường dây hạ áp, 15 trạm biến áp, tổng vốn đầu tư trên 36,5 tỷ đồng. Ước tính, ngành Điện đã đầu tư bình quân trên 56 triệu đồng để đưa điện về một nhà dân. Điều đó cho thấy, suất đầu tư mở rộng cấp điện vùng đồng bào dân tộc ở tỉnh Quảng Nam là rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Thận, người dân thôn 3, xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My cho biết, trước đây, bà con sống rải rác ở triền núi. Ban ngày đi làm rẫy, tối đến tụm lại bên bếp lửa một lúc rồi ngủ. Bây giờ bà con sống quây quần bên nhau, điện thắp sáng về đến tận nhà, nhiều gia đình mua tivi, vừa biết được thông tin thời sự, vừa học hỏi cách làm giàu từ người dân nhiều vùng miền khác nhau.
Đưa điện lưới quốc gia về đến các bản làng vùng cao của tỉnh Quảng Nam là hành trình đầy gian nan, vất vả. Sau vụ sạt lở núi ở làng Khe Chữ, huyện vùng cao Nam Trà My vào cuối năm ngoái, cán bộ, nhân viên ngành Điện phải trèo đèo, lội suối, vận chuyển từng cột điện bằng phương pháp thủ công. Việc dựng cột cũng hết sức gian nan, cuối cùng điện cũng về đến bản làng trong niềm vui của bà con nơi đây.
Hay như dự án cấp điện về 5 thôn của xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My cũng phải tốn thời gian dài. Ông Lê Văn Thách, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Giáp cho biết, đưa điện về các thôn của xã là thách thức lớn, nhưng điều quan trọng không kém là làm thế nào để đảm bảo nguồn điện ổn định, liên tục, an toàn, phục vụ nhu cầu người dân cũng như phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, nhất là bảo đảm an toàn hành lang tuyến khi nhận thức của bà con còn hạn chế.
“Đầu tiên để đầu tư cơ sở hạ tầng đường điện thì bà con đã đồng tình hiến đất. Sau đó, phải tiếp tục vận động bà con hiến cây để đảm bảo hành lang tuyến đường điện. Hành lang đường điện theo quy định phải là 6m, mỗi bên 3m. Cam kết là khi đã giải phóng mặt bằng rồi thì bà con không được trồng cây lâu năm trên hành lang đường điện này. Bà con chỉ được trồng chuối, bắp, khoai để đảm bảo hành lang lâu bền và xuyên suốt cho bà con sử dụng điện”, ông Lê Văn Thách cho biết.
Đề án cấp điện nông thôn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013-2020 được UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Công Thương triển khai đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, việc đưa được nguồn điện thắp sáng về đến xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang được xem là nỗ lực lớn của ngành Điện. Với tổng vốn đầu tư 33 tỷ đồng, dự án bao gồm thi công đường dây trung áp 22km và hơn 3 km đường dây hạ áp, 2 trạm biến áp 75 kVA, 108 công tơ, cấp điện cho 185 hộ đồng bào Cơ Tu.
Ngoài ra còn có Dự án cấp điện cho huyện vùng cao Nam Trà My, tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng, cấp điện cho gần 1.300 hộ đồng bào dân tộc Cor, Ca Dong. Công trình xây dựng đi qua địa bàn 10 xã vùng cao của huyện Nam Trà My. Ông Lưu Đức Lợi, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết, đối với 3 huyện vùng cao hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa điện lưới Quốc gia đến các bản làng gồm: Tây Giang, Nam Trà My và Bắc Trà My, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã đầu tư hơn 120 tỷ đồng kéo điện về phục vụ cho hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc.
“Với địa hình vùng núi phức tạp, quá trình thi công gặp trở ngại rất trong vấn đề giao thông cách trở, giải phóng mặt bằng, đền bù cây cối, hành lang tuyến. Phía Công ty Điện lực Quảng Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, đã hoàn thành tất cả các công trình, đóng điện, cấp điện an toàn, vận hành ổn định cho người dân. Ch’Ơm là xã cuối cùng trên cả nước, 100% số hộ dân có điện, nâng cao tỷ lệ hộ dân có điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lên 99%”, ông Lưu Đức Lợi cho hay.