Điện về khai sáng "xóm tù mù"

Gần một năm từ ngày chính thức đóng điện, xóm Tháu, xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) được tiếp thêm nguồn sinh khí mới. Cuộc sống người dân "thay da đổi thịt",nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế, trẻ em được cắp sách đến trường. Niềm vui thoát cảnh "khát điện" vẫn hiện rõ trên từng nét mặt, nụ cười của những con người nơi đây.

Theo chân hai “hướng dẫn viên” cán bộ Chi nhánh điện Cao Phong (Công ty Điện lực Hòa Bình), chúng tôi đến xóm Tháu vào một buổi chiều đông, qua những con đường ngoằn ngoèo uốn lượn với bên này là núi đồi, bên kia là lòng hồ Thủy điện Hòa Bình. Nếu như trước kia, lên xóm Tháu phải mất nửa ngày vì đường hẹp, nhiều ổ trâu ổ gà, thậm chí phải đi thuyền ra đảo mới đến được nhà dân thì nay con đường ấy đã được trải bê tông phẳng lỳ. Xóm Tháu cũ đã giải tán từ lâu, xóm Tháu hiện tại vẫn chưa có quyết định thành lập, còn gọi là “xóm lâm thời”.

Xóm Tháu đã được đổi mới từ ngày có điện, đường - Ảnh Huyền Trang

Trải dài trên 7 km đường đồi núi, xóm là nơi sinh sống của gần 300 nhân khẩu với 73 hộ dân, chủ yếu là người gốc Hà Nam, Thanh Hóa, Hưng Yên, Bắc Ninh… Nằm cách Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chưa đầy 1 km, nhưng hơn 20 năm, xóm Tháu luôn sống trong cảnh “tù mù”, thứ ánh sáng duy nhất là ánh đèn điện cao áp bảo vệ của Nhà máy rọi xuống sông rồi hắt ngược lại khiến cho xóm lúc nào cũng mờ mờ ảo ảo. Lạ thay, người dân tứ xứ vẫn chọn xóm Tháu là nơi lập nghiệp, kiên quyết bám trụ, mặt cúi xuống đất, lưng áp vào núi này.

Anh Nguyễn Văn Đồi, người dân xóm Tháu: “Tôi di cư lên đây từ năm 1992 - 1993, cách Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chỉ vài trăm mét mà nhà không có điện, tôi thèm lắm. Trong khi đó, những đường dây tải điện giăng mắc trên trời vẫn ngày ngày mang điện đi khắp nơi. Đã nhiều lần tôi định khăn gói về quê, nhưng nghĩ lại thôi, cố gắng đợi điện về xóm để mong đổi đời. Vì vậy, ngày xóm có điện, cũng như bao hộ khác trong xóm, gia đình tôi vui lắm, sắm sửa một loạt   ti vi, nồi cơm điện, ấm đun nước… Tôi còn dùng điện để nuôi dế đẻ trứng và ấp nở ra những con dế nhỏ. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng bây giờ có đài, tivi rồi, nên vừa nuôi tôi vừa học hỏi dần dần. Tôi đã nuôi dế được khoảng ba tháng, dự định cuối năm sẽ bán lấy tiền chuẩn bị sắm Tết".

Đến nhà trưởng xóm Trịnh Hữu Lũy đúng lúc anh chuẩn bị đi họp, biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những đổi thay của xóm từ ngày có điện, anh chia sẻ: “Xóm Tháu chính thức được đóng điện vào ngày 10/2/2010 (tức 28 tháng Chạp năm Canh Dần). Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã mang ánh sáng mới đến cho xóm. Điện về, đường được sửa chữa, đời sống kinh tế, tinh thần, dân trí của bà con nâng lên một bước. Xóm Tháu đã đổi đời rồi”. Anh Lũy kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm ngày xóm có điện với giọng hồ hởi pha chút hãnh diện: Đúng 6 giờ tối ngày 28 Tết, các cán bộ Chi nhánh điện Cao Phong đóng điện cho hộ cuối cùng trong xóm. Lúc đó, Giám đốc Chi nhánh điện Cao Phong đã đi dọc theo trục đường chính của xóm, đến nhà nào nhà ấy đều sáng ánh đèn. Nhìn bóng điện được thắp lên từng nhà, bà con không giấu nổi vui mừng, không ai bảo ai, người già, trẻ nhỏ nối đuôi nhau thành hàng dài đi hết nhà này qua nhà khác. Ngay sáng hôm sau, người dân xóm Tháu lại nườm nượp xuống trung tâm xã, thậm chí xuống cả thành phố sắm sửa các thiết bị dùng điện trong nhà như ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, ấm đun nước, đài… Tính đến thời điểm hiện tại, trong xóm chỉ còn duy nhất 3 hộ chưa có ti vi.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lũy còn cho biết, có điện đúng vào những ngày giáp Tết Nguyên đán đã nhân lên niềm vui cho người dân xóm Tháu, bởi theo quan niệm của họ có ánh sáng điện thì sang năm sẽ “sáng lộc”. Vì thế, sau khi có điện, nhiều người dân trong xóm đã mạnh tay vay vốn đầu tư vào chăn nuôi trang trại, mua máy kéo, máy xay. Từ một xóm nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển, cuộc sống trước kia chỉ trông chờ vào canh tác nương rẫy, nay đã có thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập.

Xóm Tháu có địa hình khá phức tạp, dân cư thưa thớt, công tác thi công, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, đường dây dài và chủ yếu đi trên sườn núi. Tuy nhiên, anh Bùi Đắc Thảo, Giám đốc Chi nhánh điện Cao Phong cho hay: “Do nằm ở vị trí đặc biệt, gần vùng lòng hồ sông Đà nên xóm Tháu vẫn được Công ty Điện lực Hòa Bình và Chi nhánh điện Cao Phong ưu tiên rất lớn, không chỉ đảm bảo cung cấp điện mà còn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cho toàn xóm”.  Theo anh Thảo, cùng với việc cấp điện phục vụ đời sống, các cán bộ Chi nhánh điện Cao Phong còn tận tình hướng dẫn người dân trong xóm cách sử dụng điện nhằm đảm bảo an toàn, tiết kiệm. Tổng số khách hàng hiện nay của xóm Tháu là 59 khách hàng, chủ yếu là điện sinh hoạt nông thôn, doanh thu tiền điện rất thấp, nhưng Chi nhánh điện vẫn thực hiện tốt công tác quản lý vận hành Trạm biến áp xóm Tháu, đảm bảo thường xuyên liên tục, bán điện đến từng hộ gia đình theo đúng giá quy định. Riêng trong công tác thu ngân, nếu tính chi ly, tổng số tiền điện thu được tại các hộ trong xóm không đủ bù lỗ cho tiền công tác phí. Đó là chưa kể đến những hộ gia đình cách nhau cả quả đồi, không thể đi xe máy, nhiều anh, chị em phải đi bộ cả ngày, nhưng khi lên đến nơi còn không gặp được vì chủ nhà lên nương làm rẫy, phải quay đi quay lại đến 5-6 lần. “Vất vả, gian nan là thế, nhưng anh, chị em Chi nhánh điện Cao Phong vẫn luôn nỗ lực, không ngại khó, ngại khổ, đem điện đến từng hộ gia đình và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ do ngành Điện giao phó” - Giám đốc Thảo tâm sự.

Từ ngày có điện công việc nuôi dế của anh Nguyễn Văn Đồi trở nên dễ dàng hơn - Ảnh Huyền Trang

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Út - Phó phòng kinh doanh Công ty Điện lực Hòa Bình cho biết: Tính đến hết tháng 9/2010, Công ty Điện lực Hòa Bình đã thực hiện công tác phát triển lưới điện về các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt tỷ lệ 100% số xã, 97,05% số hộ có điện lưới quốc gia. Có được kết quả như vậy phải kể đến sự đóng góp rất lớn của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty và các chi nhánh điện trong Tỉnh. Khó khăn, thử thách rất lớn, nhưng vì mục đích chính trị - xã hội, Công ty Điện lực Hòa Bình nói chung và Chi nhánh điện Cao Phong nói riêng vẫn ngày đêm, cố gắng hết mình đem nguồn sáng đến với từng hộ gia đình.

Một mùa Xuân nữa lại về. Tết này, bà con xóm Tháu sẽ không còn lo lắng, không phải sống trong cảnh lờ mờ, thấp thỏm chờ mong ánh điện. Cả năm lam lũ vất vả, giờ đây họ có thể thảnh thơi xem ti vi, quây quần cùng gia đình, con cháu.

Chia tay xóm Tháu, tôi vẫn cảm nhận được nụ cười hạnh phúc của người dân nơi đây sau một năm lao động nhiều thành quả nhờ có điện. Qua ô cửa kính ô tô, tôi nhìn thấy thấp thoáng bóng áo vàng cam của người thợ điện nơi đỉnh đồi. Ngày Tết cổ truyền đang đến gần, họ đang tỏa đi khắp nơi, tới từng xóm, bản, để kiểm tra, sửa chữa lưới điện, đảm bảo cấp điện cho bà con đón một mùa Xuân mới.


  • 18/02/2011 09:50
  • Huyền Trang
  • 3764