Doanh nghiệp điển hình tiết kiệm điện
Đồng Nai là địa phương có sản lượng điện tiêu thụ lớn với khoảng 75% sản lượng điện phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, hằng năm Công ty Điện lực Đồng Nai đã phối hợp với Sở Công Thương, các đoàn thể và địa phương tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả đến toàn thể khách hàng, giúp tiết kiệm hàng trăm triệu kWh điện mỗi năm.
Một trong số những doanh nghiệp đi đầu trong tiết kiệm điện tại Đồng Nai phải kể đến Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), đây là đơn vị tiêu thụ hàng chục ngàn kWh mỗi tháng. Chính vì thế, để tiết giảm chi phí điện năng, công ty đã thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng bóng đèn Led, đồng thời, lắp đặt quạt thông gió, hệ thống làm mát từ dưới sàn ở các xưởng và đầu tư thiết bị hiện đại để thay thế những máy móc cũ và hao tốn điện năng.
Ngoài ra, công ty còn áp dụng giải pháp bọc bồn sấy, máy ép bằng tấm cách nhiệt giúp tiết kiệm khoảng 1 nghìn kWh điện/tháng, giải pháp này được công ty áp dụng thành công và nhân rộng tại nhiều nhà máy sản xuất. Đáng chú ý, công ty luôn khuyến khích và dành phần thưởng cho những người lao động đưa ra sáng kiến, cải tiến góp phần tiết kiệm điện.
Cũng là một trong những doanh nghiệp lớn tại Đồng Nai, Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa nhiều năm nay cũng đã áp dụng không ít giải pháp tiết kiệm điện năng, trong đó, giải pháp thay đổi van lò hơi đã giúp hạn chế xì hơi trong quy trình sản xuất cà phê hòa tan, giúp công ty tiết kiệm hơn 700 triệu đồng/năm.
Trước đó, khi chưa có van cải tiến, một lượng lớn nhiệt năng cung cấp cho lò sấy bị xì ra bên ngoài, vừa gây nóng cho môi trường làm việc của người lao động vừa tiêu tốn điện năng. Tuy nhiên, sau khi thay đổi van, gần 100% hơi trong lò được bảo toàn, giảm đáng kể thời gian và nhiên liệu trong quá trình rang xay cà phê.
Với sự chủ động ngay từ khi xây dựng nhà máy, Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) đã chú trọng chọn vật liệu đạt chứng nhận LEED (chứng nhận của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ dành cho công trình xây dựng xanh), sử dụng mái che phản chiếu ánh sáng mặt trời và lắp đặt hệ thống thông gió tự nhiên. Mới đây, doanh nghiệp lắp khoảng 15 ngàn tấm quang điện mặt trời cung cấp điện cho sản xuất đồng thời giúp giảm khoảng 2 ngàn tấn CO2/năm.
Sản xuất may mặc theo tiêu chí bền vững tại Công ty TNHH Saitex. Ảnh: Báo Đồng Nai
|
Cũng là một trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm của tỉnh Đồng Nai, những năm qua, Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện, trong đó, giải pháp Tối ưu hóa năng lượng nung phôi trong dây chuyền luyện cán thép đã giúp tiết kiệm khoảng 1,5 triệu USD tiền điện (trong 3 năm). Đây cũng là giải pháp đại diện Việt Nam dự và đoạt giải ba cuộc thi Phát triển ngành thép cạnh tranh trong khu vực ASEAN năm 2022 do Hiệp hội Thép Đông Nam Á - SEAISI tổ chức tại Malaysia.
Tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Chi phí năng lượng là một trong các chi phí sản xuất – vận hành, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, nhiều thông tin đã chỉ ra rằng ở nhiều ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp, có những thời điểm chi phí năng lượng chiếm đến hơn 60% giá thành của sản phẩm. Chính vì thế, việc thực hiện đồng bộ các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết giảm chi phí năng lượng sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt các rủi ro và tăng lợi nhuận kinh doanh.
Theo đó, khi áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, chi phí sản xuất – vận hành sẽ giảm, cho phép doanh nghiệp đạt được lợi nhuận cao hơn, đồng thời có thể tối ưu giá thành sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Việc cải tiến các thiết bị, máy móc kỹ thuật hiện đại, tối ưu hiệu suất hoạt động để tiết kiệm chi phí năng lượng cũng đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, khi thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí năng lượng, doanh nghiệp sẽ hạn chế được các rủi ro đến từ việc tăng giá năng lượng và thiếu điện. Ví dụ, khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng, doanh nghiệp có thể tự tạo ra điện phục vụ quá trình sản xuất, giảm mua điện, từ đó ít bị ảnh hưởng khi biểu giá điện tăng. Nếu mỗi doanh nghiệp đều tự chủ năng lượng, có thể tự sản xuất – tự tiêu thụ điện, sẽ giảm áp lực lên lưới điện khu vực, hạn chế nguy cơ thiếu điện và các rủi ro do quá tải đường dây.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp cho chính doanh nghiệp mà còn góp phần làm giảm nhập khẩu năng lượng, tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia, đồng thời giúp giảm phát thải khí nhà kính, duy trì môi trường bền vững. Đồng thời, cũng là cách để doanh nghiệp thể hiện sự chủ động thực hiện các trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng.
Một số giải pháp tiết kiệm điện dành cho doanh nghiệp:
- Tăng cường sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và các nguồn năng lượng tái tạo;
- Bố trí quy trình sản xuất khoa học nhằm giảm tổn thất điện năng;
- Cải tiến máy móc kỹ thuật nâng cao hiệu suất hoạt động;
- Thực hiện quản lý năng lượng;
- Nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên.
|