Đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông sắp về đích

Mặc dù cán bộ, công nhân quyết tâm thi công để về đích kịp tiến độ, nhưng hiện EVN NPT vẫn phải giải quyết những vướng mắc về giải phóng mặt bằng...

Tuyến đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông là một công trình trọng điểm cấp Quốc gia đã được Chính phủ giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện và Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (NPT) làm chủ đầu tư. Đến nay, sau hơn hai năm thi công trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, khó khăn của địa hình rừng núi của Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ cũng như phức tạp trong giải phóng mặt bằng... giờ đây công trình đang chuẩn bị về đích.

Quyết về đích đúng tiến độ

Tháng Tư, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ đang là cao điểm của mùa khô, thời tiết khắc nghiệt, nhưng bất chấp những cơn nắng đầu mùa như đổ lửa, hàng nghìn công nhân va lao động trẻ của các đơn vị thi công đang dồn mọi nỗ lực để hoàn thành công trình đúng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ.

Quyết tâm hòan tất công tác rải căng dây gói 11 và 12 vào ngày 15/4

Anh Tống Văn Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Sông Đà, Giám đốc Công ty Sông Đà 11 - Thăng Long, đơn vị đang tham gia thi công 2 gói thầu 11 và 12 trên đoạn tuyến đi qua 3 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và Đồng Phú tỉnh Bình Phước, cho biết: “Chúng tôi đã phát động phong trào thi đua dồn sức cho công trình, quyết tâm hoàn tất công tác rải căng dây vào ngày 15/4, còn việc hoàn thiện nghiệm thu chắc chắn là đến cuối tháng tư đơn vị sẽ hoàn thành đúng tiến độ”.

Tuyến đường dây 500 kV Pleiku- Mỹ Phước- Cầu Bông có tổng chiều dài 445,04 km đi qua các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, ĐắK Nông, Bình Phước, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là công trình trọng điểm của trọng điểm cấp Quốc gia, bởi công trình hoàn thành sẽ đảm bảo kịp thời cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải của TP HCM và khu vực miền Nam giai đoạn 2014- 2015; tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện giữa 3 nước Việt Nam- Lào- Campuchia giai đoạn sau 2015, cũng như tăng cường liên kết lưới điện truyền tải cấp 500 kV trên toàn quốc.

Với mục đích và ý nghĩa đó, trong những ngày tháng Tư đầy nắng gió này hàng ngàn cán bộ, công nhân và lao động trẻ của các của các Công ty xây lắp điện 1, xây lắp điện 2, xây lắp điện 4, Tổng công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam (VNECO); Công ty cổ phần Sông Đà 11, Công ty cổ phần Sông Đà 11- Thăng Long; Công ty cổ phần lắp máy (INCO); Công ty cổ phần xây dựng và xây lắp điện; Công ty Việt Á và phần lớn cán bộ của Ban A miền Trung đang ngày đêm bám tuyến, bám việc để kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh nhằm hoàn thành công trình đúng tiến độ theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Anh Hà Xuân Quyên, chi nhánh Sông Đà 11- Thăng Long, cho biết: “Là người trực tiếp thi công tại hiện trường, chúng tôi đang quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ, chúng tôi đã dàn hết lực lượng đảm bảo đủ người làm việc thông tầm, những điểm căng thẳng có thể thi công vào cả buổi trưa”.

Vẫn nỗi lo giải tỏa, đền bù...

Tính đến thời điểm này, các đơn vị tham gia thi công trên toàn tuyến đã căng dây và lấy độ võng hoàn chỉnh gần 150 km và đang nỗ lực để hoàn thành nốt khối lượng còn lại. Với khí thế thi đua lao động sáng tạo và tinh thần vượt khó như hiện nay, công trình chắc chắn sẽ về đích đúng tiến độ. Điều quan tâm và lo ngại nhất của chủ đầu tư cũng như các nhà thầu không phải là vật tư, tiền vốn, hay thời tiết khắc nghiệt... mà cái chính là giải tỏa đền bù.

Đơn vị thi công vẫn lo công tác giải tỏa mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ

Bởi hiện nay trên một số đoạn tuyến vẫn còn vướng mắc về đền bù do sự đòi hỏi thiếu hợp lý và không thiện chí của cá biệt một số hộ dân. Trước tình hình này, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã phối hợp chặt chẽ vói chính quyền các địa phương nơi có đường dây đi qua, các cơ quan chức năng và các nhà thầu để có những giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết sự việc triệt để, đúng pháp luật để đảm bảo công trình đúng tiến độ.

Tham gia thi công tại đoạn tuyến có nhiều vướng mắc nhất ở huyện Củ Chi, TP HCM, Công ty xây lắp điện 2 đã bố trí phương tiện xe máy thi công và lực lượng lao động hợp lý, tuy vậy vẫn có những khó khăn nãy sinh trong công tác đền bù.

Anh Nguyễn Văn Quang, cán bộ kỹ thuật của Công ty, cho biết: “Được sự hỗ trợ của BQL dự án các công trình điện miền Trung, chính quyền địa phương, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn vướng mắc từ phía người dân địa phương đòi hỏi tiền đền bù diện tích mượn tạm phục vụ thi công với đơn giá rất cao nên cũng gây khó khăn”.

Theo kế hoạch đã định, thời gian không còn nhiều, trong khi đó vẫn còn những khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng chưa được gải quyết dứt điểm. Vì vậy, chiến dịch thi đua nước rút trong tháng tư mà Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung đang tập trung đưa ra đang được các nhà thầu hưởng ứng một cách tích cực, quyết tâm đưa công trình về đích đúng tiến độ.


  • 06/04/2014 09:23
  • Theo VOV
  • 2964


Gửi nhận xét