EVN sẽ mua điện từ phế thải nông nghiệp với giá 5,8 cent/kWh
|
Trong 6 tháng kể từ khi chủ đầu tư dự án điện sinh khối có văn bản đề nghị bán điện, EVN phải ký hợp đồng mua điện, thời hạn cho hợp đồng mua điện dự án điện sinh khối là 20 năm, sau đó có thể gia hạn hoặc ký hợp đồng mới.
Ngoài quy định về giá mua điện, các dự án điện sinh khối cũng sẽ được hưởng một số cơ chế hỗ trợ như: Được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được, được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
Trước đó, để khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo phát triển, Bộ Công Thương đã đề xuất giá bán điện sản xuất từ bã mía ở mức 6,1 cent/kWh (hiện nay là 4 cent/kWh), điện từ trấu khoảng 7,3 cent/kWh (hiện nay khoảng 4 cent/kWh), điện từ đốt rác thải 10 cent/kWh và điện từ chôn lấp rác sẽ có giá khoảng 7,3 cent/kWh (hiện khoảng 4 cent/kWh).
Tuy nhiên, theo quyết định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về cơ chế hỗ trợ phát triển điện sinh khối chỉ thấy đề cập giá mua điện sinh khối quy định ở mức 5,8 cent/kWh.
Theo các chuyên gia năng lượng, giá điện sinh khối lâu nay còn thấp khiến các nhà đầu tư không muốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Nếu giá điện sinh khối được nâng lên ở mức phù hợp thì trong tương lai có thể sẽ giúp nhà đầu tư có lãi, bước đầu khuyến khích được việc phát triển loại điện này tại Việt Nam.
Hiện nay tổng công suất nguồn điện tại Việt Nam khoảng 26.000 MW; trong đó các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện rác thải, điện gió, điện bã mía, điện mặt trời chỉ chiếm khoảng 3,7%.
Theo Viện Năng lượng, hiện tại Việt Nam có 40 dự án điện bã mía, nhưng chỉ có 5 nhà máy đường bán điện lên lưới điện quốc gia cho EVN do giá bán điện còn thấp. Ngoài ra, tại Cần Thơ có một dự án điện trấu đã lắp đặt xong lò hơi phát điện, nhưng do giá điện còn thấp nên nhà đầu tư bán hơi cho khu công nghiệp Trà Nóc để sấy cá tra, cá basa xuất khẩu.
Tiềm năng nguồn điện sản xuất từ chất thải rắn tại Việt Nam khá dồi dào với hơn 100 triệu tấn nguyên liệu được tạo ra hàng năm. Trong đó có 40 triệu tấn rơm rạ, 8 triệu tấn trấu, 6 triệu tấn bã mía, 0,3 triệu tấn vỏ cà phê, phế thải gỗ, vỏ lạc, điều, phế thải dừa với trên 50 triệu tấn.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt công suất điện sản xuất từ chất thải rắn là 500 MW, đến năm 2030 đạt công suất 2.000 MW, đồng nghĩa với việc từ nay đến 2020 trung bình mỗi năm phải phát triển 100 MW công suất điện sản xuất từ chất thải rắn.
Theo Viện Năng lượng, mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển năng lượng tái tạo chiếm 9,4% tổng công suất điện cả nước. Trong đó, điện gió đạt 6.200 MW, điện sản xuất từ chất thải rắn 2.000 MW, các loại năng lượng khác như địa nhiệt, điện sản xuất từ rác thải sinh hoạt, khí sinh học… đạt khoảng 6.000 MW.