Liên tục dẫn đầu và thể hiện vượt trội
Kết quả thống kê cho thấy, tính đến giữa tháng 12/2017, số lượng gói thầu đấu thầu điện tử của EVN là 4.067 gói, chiếm hơn 50% số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng từ đầu năm đến nay (7.860 gói).
Con số hơn 4.000 gói thầu được EVN triển khai áp dụng đấu thầu điện tử trong năm nay quả là ấn tượng nếu so sánh với số lượng gói thầu trên cả nước áp dụng đấu thầu điện tử trong năm đầu tiên thực hiện đấu thầu qua mạng theo lộ trình quy định tại Thông tư 07/2015/TTLT - BKHĐT - BTC. Theo đó, số lượng gói thầu qua mạng thực tế được các chủ đầu tư/bên mời thầu thực hiện trong năm 2016 đạt 3.327 gói. Con số hơn 4.000 gói thầu này cũng cao hơn tổng số gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2017 (3.300 gói).
Với kết quả đã đạt được như vậy, cho đến nay, EVN vẫn là đơn vị đứng đầu trong toàn quốc về việc hưởng ứng tham gia đấu thầu qua mạng. Và số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy, EVN đã liên tục có bước tiến vượt bậc so với kết quả đạt được của đơn vị này trong cùng kỳ 2 năm gần đây. Trong năm 2016, EVN có khoảng 1.800 gói thầu đã thực hiện qua mạng trong cả lĩnh vực đầu tư và sản xuất kinh doanh, cao hơn rất nhiều so với 241 gói thầu thực hiện trong năm 2015.
Theo lộ trình quy định, về tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng, chỉ tiêu năm 2017 của EVN là 50% gói thầu chào hàng cạnh tranh qua mạng và 30% gói thầu đầu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế quy mô nhỏ đấu thầu qua mạng.
Trên thực tế, 9 tháng đầu năm 2017, EVN là một trong những đơn vị đạt chỉ tiêu về đấu thầu qua mạng trong năm 2017 theo lộ trình quy định tại Quyết định số 1402/QĐ - TTg ngày 13/7/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 -2025, với tỷ lệ gói thầu chào hàng cạnh tranh điện tử đạt 79,26% và tỷ lệ đấu thầu rộng rãi điện tử đạt 38,13% (tính đến thời điểm 9 tháng đầu năm 2017).
Số liệu tính đến trung tuần tháng 12 năm nay, EVN đã vượt mốc chỉ tiêu của cả năm 2017 với số gói thầu chào hàng cạnh tranh qua mạng đạt 54% (1.910/3.548) và đấu thầu rộng rãi qua mạng đạt 38% (2.157/5.565).
Như vậy, trong năm 2017, đối với các bên mời thầu là tập đoàn, tổng công ty, EVN luôn là đơn vị dẫn đầu trong triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng. Tiếp đó là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Số liệu thống kê trên hệ thống Mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, 2 đơn vị có tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng trong 6 tháng đầu năm 2017 rất cao, lần lượt là 37,75% và 24,81%. Kết quả 9 tháng đầu năm 2017 cũng cho thấy, 2 đơn vị này vẫn ở vị trí dẫn đầu, với tỷ lệ gói thầu chào hàng cạnh tranh điện tử và tỷ lệ đấu thầu rộng rãi điện tử lần lượt là: 79,26% và 38,13% với EVN, 66,27% và 25,74% với VNPT.
Để đạt được kết quả nêu trên, theo đánh giá, EVN đã có bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đấu thầu. Theo EVN, Tập đoàn nhận thấy rằng, công nghệ thông tin là một công cụ vô cùng tiện lợi, hữu ích trong việc tăng tính hiệu quả và minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu. Do đó, tiếp theo các thành tựu đạt được trong giai đoạn thí điểm đấu thầu qua mạng giai đoạn 2009 - 2011 và 2012 - 2015, trong thời gian qua, hầu hết các đơn vị của EVN đã chủ động, tích cực tham gia ứng dụng đấu thầu qua mạng.
Nhiều đơn vị của EVN đã có kinh nghiệm triển khai và tích cực hưởng ứng đấu thầu qua mạng như Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các ban quản lý dự án của EVN, các tổng công ty và các công ty thủy điện, công ty nhiệt điện...
Tiết kiệm ấn tượng trên 30%
Thống kê từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia cũng cho thấy, tổng giá trị gói thầu điện tử do EVN thực hiện đã đạt hơn 5.877 tỷ đồng; tổng số gói thầu điện tử đã đăng tải kết quả là 2.705 gói, với tổng giá trị gói thầu là 3.750 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 3.345 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 10,8% (tương đương 405 tỷ đồng).
Trung tâm Đấu thầu qua mạng cho biết, đáng chú ý, trong năm 2017 có khoảng 330 gói thầu đấu thầu điện tử của EVN đạt tỷ lệ tiết kiệm trên 30%. Đây là mức tiết kiệm hết sức ấn tượng, bởi tỷ lệ tiết kiệm đấu thầu truyền thống trung bình chỉ xung quanh mức 8,07%.
Trước đó, năm 2016, trong lĩnh vực đầu tư, các đơn vị EVN đã thực hiện đấu thầu qua mạng khoảng 800 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu khoảng 1.816 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm khoảng 10%. Trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, EVN đã thực hiện đấu thầu qua mạng tổng cộng gần 1.000 gói thầu, với tổng giá trị trúng thầu khoảng 9.143 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm khoảng 25%.
Theo đánh giá của lãnh đạo EVN, qua triển khai thực hiện, nhiều đơn vị EVN đã nhận thấy, tính hiệu quả cao của hình thức đấu thầu qua mạng. Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai đấu thầu qua mạng, ngay trong năm 2016, các đơn vị thành viên EVN đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn về đấu thầu qua mạng để đào tạo cho cán bộ nhân viên làm công tác liên quan đến đấu thầu. Đây là một bước chuẩn bị cho việc triển khai lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng theo quy định tại Thông tư số 07/2015/TTLT - BKHĐT - BTC. Bên cạnh đó, EVN cũng đã có văn bản chỉ đạo gửi tất cả các đơn vị thành viên đôn đốc đẩy mạnh triển khai đấu thầu qua mạng.
Một điểm đáng chú ý khác, trong số các gói thầu do EVN triển khai theo hình thức đấu thầu qua mạng trong năm 2017, có những gói thầu thu hút rất đông nhà thầu tham gia, nhiều nhất có đến 19 nhà thầu. Đây là con số hết sức ấn tượng, bởi kết quả thống kê năm 2016 cho thấy, số lượng nhà thầu tham dự đấu thầu qua mạng ở nước ta tính trung bình là 2,6 nhà thầu/gói thầu. Còn số liệu tổng kết 9 tháng đầu năm 2017 cho thấy, số lượng trung bình nhà thầu tham dự một gói thầu điện tử là 2,52 nhà thầu/gói thầu. Chỉ có 25 gói thầu điện tử thu hút nhiều nhà thầu tham dự (trên 10 nhà thầu).
Theo nhận định của các chuyên gia, để thúc đẩy đấu thầu qua mạng nói chung và tại các đơn vị cơ sở nói riêng, quyết tâm chính trị của người đứng đầu và sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan hữu quan trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành để đôn đốc, giám sát áp dụng đấu thầu qua mạng đóng vai trò rất quan trọng. Thêm vào đó, để tăng tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, truyền thông về đấu thầu qua mạng nhằm thay đổi thói quen và nhận thức của các bên liên quan chủ chốt bao gồm: Các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu và cả nhà thầu. |