EVN: Nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai nhóm giải pháp tổng hợp nhằm thực hiện một cách tốt nhất Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Tuân thủ các quy định…

Ông Dương Quang Thành - Phó tổng giám đốc EVN cho biết, đến thời điểm này, EVN đã và đang đầu tư xây dựng 36 dự án thủy điện với tổng công suất  đặt 12.737 MW, trong đó có 29 dự án đã đưa vào vận hành với tổng công suất 10.346 MW và 7 dự án đang xây dựng có tổng công suất đặt 2.391 MW là Lai Châu, Huội Quảng, Trung Sơn, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đa Nhim mở rộng và Thác Mơ mở rộng.

Các dự án thủy điện do EVN làm chủ đầu tư đều là các dự án có công suất đặt từ 60 MW trở lên, nằm trên các hệ thống sông trong quy hoạch thủy điện đã được Bộ Công Thương thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các dự án đã tuân thủ nghiêm chế độ chính sách, pháp luật của Nhà nước về đầu tư xây dựng từ khâu nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, lựa chọn nhà thầu xây dựng đến giám sát thiết kế, giám sát thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng…đều được thực hiện đúng quy định hiện hành.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các nhà máy thủy điện do EVN quản lý đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ - Ảnh: Vũ Lam

“Đặc biệt, tất cả các dự án đều được quy hoạch có thỏa thuận của UBND tỉnh liên quan trước khi phê duyệt và các quy định này đều thực hiện theo đúng các nghị định, quyết định của Chính phủ. Riêng công tác di dân tái định cư có 4/36 dự án không phải thực hiện (gồm Sê San 3, Sông Bung 4, Đồng Nai 4, và Đa Nhim mở rộng). Còn lại 32 dự án phải thực hiện di dân tái định cư, trong đó có 6 dự án do địa phương làm chủ đầu tư (Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Huội Quảng, Bản Chát, Sông Bung 2)”, ông Dương Quang Thành nhấn mạnh.

Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đến nay của các dự án do EVN quản lý cơ bản thực hiện xong. Trong quý III/2014, EVN sẽ hoàn tất nốt việc bồi thường 166,97 ha diện tích đất trên cốt ngập của 126 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Thủy điện An Khê - Kanak với số tiền 17,8 tỷ đồng.

EVN cũng đã thống nhất cấp kinh phí và giao cho UBND huyện Đak Glong (tỉnh Đắk Nông) làm chủ đầu tư lập dự án khai hoang 300 ha đất nông nghiệp cấp cho các hộ tái định cư Thủy điện Đồng Nai 3. Với Thủy điện Bản Vẽ, EVN đang xây dựng lại 2 cây cầu trong khu tái định cư bị hỏng do lũ năm 2013, với tổng trị giá 30 tỷ đồng ...

Đảm bảo an toàn cho vùng hạ du…

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong số 68 nhà máy thủy điện công suất đặt lớn hơn 30 MW, 60 đập đã có phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập được phê duyệt, 8 đập đang bổ sung, hoàn chỉnh theo quy định.

Theo ông Đặng Huy Cường – Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Bộ Công Thương, hầu hết các chủ đập thủy điện đều thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành. Đối với các hồ chứa có nhiệm vụ phòng lũ, không tích nước quá sớm để đảm bảo chủ động cắt giảm lũ cho hạ du, đồng thời phối hợp vận hành đáp ứng cơ bản nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường phía hạ lưu.

“Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ đầu tư các nhà máy thủy điện có công suất nhỏ hơn 30 MW chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập (các nhà máy thủy điện này không phải của EVN). Nguyên nhân được xác định do một số đơn vị chưa cập nhật các quy định của Nhà nước; việc phối hợp, đôn đốc, chỉ đạo của các ngành và địa phương chưa thường xuyên và chặt chẽ. Mặt khác do chi phí đầu tư thực hiện lớn, sản lượng điện thấp, các chủ đập không đủ chi trả nợ gốc và lãi vay của vốn đầu tư ban đầu, gặp nhiều khó khăn trong bố trí tài chính để thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn trong vận hành hồ đập”, ông Cường cho biết thêm.

Nhà máy Thủy điện Ialy là nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực miền Trung, Tây Nguyên - Ảnh: X.Tiến

Ông Châu Trần Vĩnh – Phó cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đánh giá: “Tính đến thời điểm này, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ 10/11 quy trình vận hành liên hồ chứa, trong đó 6 quy trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi quy trình vận hành liên hồ chứa được phê duyệt, qua kiểm tra trực tiếp tại các địa phương và các nhà máy, nhìn chung các chủ hồ đã nghiêm túc vận hành theo quy định, nâng cao hiệu quả chống lũ, giảm lũ cho hạ du”.

Về nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho hạ du, các chủ hồ và địa phương phối hợp thực hiện khá tốt, góp phần tích cực, chủ động và có hiệu quả trong việc chống hạn cho sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, vụ Đông Xuân vừa qua, các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đã xả 5,768 tỷ m3 nước phục vụ trên 635.000 ha đất canh tác khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Tại cuộc họp báo cáo giữa kỳ về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định, Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối trong việc quản lý vấn đề thủy điện. Qua quá trình kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, có thể thấy các chủ đầu tư đã có chuyển biến về nhận thức đối với việc xây dựng, vận hành và quản lý các công trình thủy điện. Ngoài ra, sự phối hợp trong công tác giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết này thể hiện đồng bộ hơn, chủ động hơn và có sự thống nhất cao hơn.
 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: “Trong tất cả các khâu liên quan đến công trình thủy điện, từ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho đến khâu chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến lựa chọn chủ đầu tư, đảm bảo chất lượng công trình, đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập đòi hỏi Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, các địa phương có công trình thủy điện phải cố gắng hơn nữa để có thể hoàn thành được trách nhiệm mà Quốc hội giao và Chính phủ yêu cầu thực hiện” .

 


  • 22/09/2014 03:26
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2428


Gửi nhận xét