EVN đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đảm bảo điện cho vùng nuôi tôm

Theo đó, nguồn vốn để cải tạo và phát triển lưới điện trung, hạ thế phục vụ nuôi trồng thủy sản tại 6 tỉnh ven biển trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang) đến năm 2020 cần khoảng 1.494,8 tỷ đồng. 

Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam vừa diễn ra tại tỉnh Cà Mau với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam - ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn tham dự Hội nghị này. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm thành ngành mũi nhọn của đất nước. Theo đó, mục tiêu đặt ra là kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Định hướng cho ngành tôm thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần khảo sát để quy hoạch những vùng phù hợp cho phát triển nuôi tôm, không để tình trạng tự phát. Công tác quy hoạch phải đi liền với nhiệm vụ bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phát triển ngành tôm Việt Nam.

Trong đó, đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu EVN phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát và có kế hoạch bố trí nguồn lực, đầu tư hạ tầng để bảo đảm cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm.

Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng phục vụ nuôi tôm công nghiệp - Ảnh: Đình Hoàng

Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã đầu tư 876 tỷ đồng thực hiện các dự án/công trình đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện để đảm bảo cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển khu vực phía Nam - vựa tôm của cả nước. 

Tuy nhiên, với tình hình các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ không tập trung, phát triển tự phát theo thị trường nguyên liệu tôm đã dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện ở nhiều thời điểm. Hiện, diện tích nuôi tôm vẫn không ngừng tăng, nên nhu cầu đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện để kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải khu vực quy hoạch nuôi tôm công nghiệp là rất lớn và cấp thiết.

EVN sẽ đảm bảo cung ứng điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp - Ảnh: Đình Hoàng

Theo EVNSPC, để thu xếp 1.494,8 tỷ đồng cho cải tạo và phát triển lưới điện trung, hạ thế phục vụ nuôi trồng thủy sản tại 6 tỉnh ven biển trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tổng công ty đã tranh thủ các nguồn vốn vay ODA để đăng ký vay vốn với EVN thông qua Dự án Phân phối hiệu quả 2 (DEP2), vay vốn WB thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020.

Riêng năm 2017, EVNSPC dự kiến bố trí 303 tỷ đồng để thực hiện đầu tư cấp điện phục vụ nuôi tôm với tiêu chí ưu tiên các khu vực cấp bách có diện tích ao nuôi đang phát triển mạnh. 

Bên cạnh đó, Tổng công ty đang triển khai thí điểm đề án hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Trung Bộ giai đoạn 2016 - 2018 nhằm tuyên truyền việc sử dụng điện an toàn trong công tác nuôi tôm.

EVN và EVNSPC cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư phát triển các khu vực còn nhiều khó khăn vì nguồn vốn đầu tư cấp điện cho nuôi tôm công nghiệp tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đến 2020 vào khoảng 3.600 tỷ đồng và khả năng huy động đủ nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực miền Nam cho phát triển hệ thống điện cũng rất khó khăn.

Tổng công ty Điện lực miền Nam đề nghị chính quyền các địa phương:

- Có quy hoạch vùng nuôi tôm cũng như vận động nhân dân phát triển nuôi tôm đúng với quy hoạch mà tỉnh đã đề ra, nhằm tạo điều kiện cho việc đầu tư lưới điện được đồng bộ và đảm bảo kỹ thuật.

- Vận động nhân dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để ngành Điện thi công xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ cấp điện cho nuôi tôm công nghiệp.

- Vận động và hỗ trợ nhân dân tiếp cận sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện trong quá trình nuôi tôm.

 


  • 07/02/2017 04:31
  • Huyền Thương
  • 9569