EVN đẩy mạnh mô hình ESCO

Trên cơ sở thí điểm thành công bước đầu chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh mô hình cung cấp dịch vụ, giải pháp tiết kiệm năng lượng (ESCO) cho các doanh nghiệp (DN).

EVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình ESCO

Những lợi ích kép

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng Ban Kinh doanh EVN - cho biết, Tập đoàn đã triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO từ năm 2014. Đến nay, EVN đã chính thức ký kết và triển khai 7 hợp đồng ở khu vực phía Nam với giải pháp được chọn là cung cấp hệ thống bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp.

“Khi tham gia vào mô hình ESCO, DN sẽ được rất nhiều lợi ích như tận dụng được nguồn tài chính đầu tư ban đầu bởi các công ty dịch vụ ESCO đã cung cấp trọn gói, tổng thể từ khâu khảo sát, thiết kế, xây dựng, lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và chuyển giao công nghệ; tiết giảm được sản lượng điện… Nhờ vậy, giúp DN giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh, thương hiệu của một DN thân thiện với môi trường” - ông Nguyên nhấn mạnh.

Thực hiện mô hình ESCO, ngành Điện sẽ giảm bớt áp lực về vốn, giãn tiến độ đầu tư cho các công trình nguồn và lưới điện, giảm quá tải, sự cố, hư hỏng thiết bị điện trong quá trình vận hành, có điều kiện tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cung cấp điện ổn định cho khách hàng. Ở tầm vĩ mô, tiết kiệm càng nhiều điện sẽ tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhất là trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch than, dầu khí đang dần cạn kiệt và những thách thức từ biến đổi khí hậu.

Thống kê của EVN cho thấy, dù đã nỗ lực tuyên truyền và hành động cụ thể trong việc tiết kiệm điện, mỗi năm, cả nước mới chỉ tiết kiệm khoảng trên 2% tổng sản lượng điện thương phẩm. Đây là con số quá ít ỏi so với tiềm năng vốn có.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Theo ông Nguyên, mặc dù đánh giá được hiệu quả từ 7 dự án ESCO nhưng khi triển khai ở tất cả các tổng công ty điện lực, vẫn còn những khó khăn nhất định do mô hình quá mới, việc tiếp cận khách hàng không đơn giản. Hơn nữa, các giải pháp tiết kiệm năng lượng lại ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Bình nước nóng năng lượng mặt trời, điều hòa, hệ thống bơm, biến tần…; trong khi công tác truyền thông, tuyên truyền về ESCO đến DN, người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn vốn vì vốn của EVN hiện chủ yếu dùng để phát triển hạ tầng điện, còn ESCO chỉ là dịch vụ gia tăng thêm.

Mặc dù vậy, với tiềm năng của thị trường cũng như các lợi ích lớn từ mô hình ESCO mang lại, EVN sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển được mô hình này ra các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là khu vực phía Bắc. EVN cũng đã có chủ trương và giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị trực thuộc triển khai, mở rộng để cung cấp các dịch vụ, giải pháp theo mô hình ESCO. Hiện nay, các tổng công ty điện lực của EVN đang cố gắng thu xếp đủ nguồn vốn để thực hiện trong những năm tới.

Để triển khai nhân rộng mô hình, ông Nguyên cho rằng, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho DN, nhất là các đơn vị sản xuất quy mô công nghiệp, DN tiêu thụ sản lượng điện lớn. Bên cạnh đó, phải có sư hỗ trợ từ nhà nước thông qua cơ chế ưu đãi về tài chính…

Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng Ban Kinh doanh EVN: Chúng tôi rất mong trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ban hành những chính sách mới thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp ESCO, trong đó có EVN, để cùng chung tay mở rộng thị trường, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.


  • 15/03/2017 02:10
  • Theo Báo Công Thương
  • 532039