Vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện: Có thể bị khởi tố hình sự

Trong thời gian qua, tại nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. Những vi phạm này sẽ bị xử phạt như nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty luật TNHH Fanci.

PV: Xin ông cho biết, các khung hình phạt đối với việc vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Điều 15, Nghị định 134 năm 2013 về xử phạt trong lĩnh vực điện lực đã quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định an toàn điện. Mức phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 50 triệu đồng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền thì người, tổ chức vi phạm còn có thể bị các hình thức phạt bổ sung như tịch thu phương tiện vi phạm, bồi thường thiệt hại, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, đồng thời buộc chấm dứt hành vi vi phạm…

Đối với những hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính một lần mà vẫn tiếp tục vi phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp nghiêm khắc hơn, đó là xử lý hình sự.

PV: Cụ thể, trong trường hợp nào các đối tượng vi phạm có thể bị khởi tố hình sự, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Người nào có một trong các hành vi sau: Cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình điện; gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện; đào hố, đóng cọc, xây nhà lên hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm; thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này mà vẫn còn vi phạm thì sẽ bị khởi tố hình sự theo Điều 241 Bộ luật Hình sự.

Hình phạt cho tội danh này bao gồm: Cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là 10 năm, tùy theo mức độ hậu quả gây ra. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể chịu hình phạt bổ sung như, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

PV: Hiện nay, một số người dân khi xây nhà tầng đã xây lấn ban công ra phía trước, vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Quan điểm của ông về sai phạm này?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Hành vi này gây ảnh hưởng đến hành lang, kết cấu của hệ thống lưới điện quốc gia. Không những thế, việc xây ban công nhà sát đường dây điện trên cao còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân.

Hành vi trên đã vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đường dây điện được quy định tại Điều 13 Nghị định 14/2014: Cụ thể, hành lang an toàn được giới hạn bởi khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn quy định. Cụ thể: Điện áp đến 35 kV không nhỏ hơn 3 m; điện áp 110 kV không nhỏ hơn 4 m; điện áp 220 kV không nhỏ hơn 6 m.

Như vậy, cần lập biên bản vi phạm hành chính, trên cơ sở biên bản này, cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt bằng tiền và buộc chủ công trình phải dừng thi công, khai thác sử dụng và tháo dỡ công trình, mang đi toàn bộ các vật tư, thiết bị… ra khỏi hành lang an toàn lưới điện.

Phát quang hành lang lưới điện ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc)

PV: Tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, có rất nhiều người cố ý trồng cây cao su trong và sát hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. Vậy hành vi này có thể bị xử phạt như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 15 Nghị 134/2013, hành vi trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện… sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng và phải buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

PV: Theo ý kiến cá nhân ông, các qui định pháp luật hiện hành đã đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện hay chưa?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Các hình thức xử lý vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện hiện nay bao gồm xử phạt hành chính, hình sự là đầy đủ về hình thức. Tuy nhiên, theo tôi, mức độ hình phạt còn nhẹ, chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của việc vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện quốc gia.

Chúng ta thấy một số hành vi như: trộm cắp tài sản, cướp, cướp giật tài sản… là hành vi xâm phạm quyền sở hữu của một ai đó đều bị xử lý hình sự khá nặng (hình phạt cao nhất có thể tù chung thân, tử hình). Trong khi đó, nhiều hành vi xâm phạm hành lang an toàn lưới điện gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng và tài sản cũng chỉ bị phạt tù đến 10 năm.

PV: Để ngăn ngừa và hạn chế những vi phạm này, theo ông cần phải làm gì?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Ngành Điện và các cơ quan có chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân thấy được sự nguy hiểm về tính mạng cũng như tài sản do vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện, vận động nhân dân thực hiện tốt quy định của Nhà nước. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời những vi phạm, lập phương án xử lý và có biện pháp giải quyết dứt điểm các vi phạm; hướng dẫn các đơn vị, các địa phương thực hiện việc cải tạo, nâng cấp hoặc dịch chuyển đường điện để giải tỏa các điểm vi phạm ra khỏi các khu dân cư, công trình. Đặc biệt, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, vi phạm hình sự trong lĩnh vực này cần được sửa đổi theo hướng tăng nặng trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 15/02/2017 09:48
  • Theo petrotimes.vn
  • 28265