PC Quảng Nam: Người lao động đã "dám" từ chối thực hiện công việc khi không bảo đảm an toàn

Tại Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam), từ đầu năm đến nay đã có 25 lượt CBCNV từ chối thực hiện công việc khi phát hiện nguy cơ không đảm bảo an toàn lao động.

Nguy cơ xảy ra tai nạn lao động còn cao

Lưới điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có gần 7.200 km đường dây trung hạ thế và gần 3.100 trạm biến áp phụ tải, được phân bố trên nhiều địa hình, chủ yếu là đồi núi phức tạp, thường xuyên chịu tác động của bão, lụt nên khó khăn trong công tác quản lý vận hành. Mặc dù, PC Quảng Nam đã không ngừng cải tạo, nâng cấp để cấp điện an toàn, ổn định cho khách hàng nhưng môi trường lao động vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong lao động đối với CBCNV và tai nạn điện trong nhân dân.

Với mục tiêu “Phấn đấu không để xảy ra tai nạn lao động do CBCNV vi phạm quy trình” lãnh đạo PC Quảng Nam luôn quan tâm chỉ đạo toàn Công ty triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt các biện pháp an toàn lao động, giảm thiểu đến mức thấp nhất các nguy cơ có thể gây tai nạn, yếu tố có hại ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.

Theo đó, Công ty đã ban hành nhiều quy trình, nội quy, chuyên đề có liên quan đến công tác đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất. Cụ thể như: Chuyên đề “Xây dựng văn hóa an toàn trong PC Quảng Nam”, chuyên đề quản lý rủi ro an toàn lao động giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về nâng cao hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2016 – 2020 của Đảng ủy Công ty với mục đích nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp quản lý, ý thức chấp hành quy trình an toàn của người lao động nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...tạo định hướng dài hạn trong việc thực hiện vấn đề đảm bảo an toàn trong lao động.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Công ty cũng đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát an toàn lao động tại hiện trường sản xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, khen thưởng cho các đơn vị công tác thực hiện công việc đảm bảo an toàn lao động.

Trong 10 tháng năm 2016, toàn Công ty tổ chức kiểm tra hiện trường sản xuất, phát hiện và xử lý vi phạm 108 trường hợp CBCNV vi phạm quy trình an toàn, trong đó xử lý kỷ luật 21 CBCNV, tổ chức khen thưởng 33 đơn vị công tác đảm bảo an toàn. Đồng thời, tổ chức xử lý các vị trí không đảm bảo an toàn trên lưới điện nhằm tạo môi trường lao động đảm bảo an toàn cho người lao động. Cũng trong thời gian trên, Công ty tổ chức xử lý gần 500 vị trí không đảm bảo an toàn trên lưới điện.

Làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nên công nhân ngành Điện thực hiện nghiêm túc quy trình an toàn lao động

Khuyến khích từ chối thực hiện công việc khi không đảm bảo an toàn

Tại PC Quảng Nam, công tác huấn luyện kiến thức quy trình an toàn được quan tâm thực hiện tốt để nâng cao kiến thức cho người lao động nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động. Công ty đã ban hành bộ 07 câu hỏi kiến thức cơ bản quy trình an toàn điện, bắt buộc người lao động phải nắm rõ để tự bản thân ngăn ngừa tai nạn.

Công tác tuyên truyền an toàn lao động được quan tâm tổ chức thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau như: Phát trên loa tuyên truyền tại vị trí sản xuất vào đầu giờ làm việc hằng ngày, trình chiếu các video an toàn lao động, phát động cuộc thi xây dựng clip an toàn điện trong các Điện lực trực thuộc…Công đoàn thường xuyên tuyên truyền, vận động người lao động nghiêm túc chấp hành quy trình an toàn khi thực hiện công việc. Người lao động đã chủ động và "dám" từ chối thực hiện công việc nếu không đảm bảo an toàn lao động. Từ đầu năm đến nay đã có 25 lượt CBCNV từ chối thực hiện công việc khi phát hiện nguy cơ không đảm bảo an toàn lao động.

Đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt trong quá trình quản lý vận hành hệ thống điện của PC Quảng Nam. Do vậy, thời gian tới, PC Quảng Nam các đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Phát huy quyền tự chủ, quyền từ chối nếu không đảm bảo an toàn lao động đối với toàn thể CBCNV; ứng dụng khoa học công nghệ trong việc kiểm tra, giám sát tổ chức công việc đảm bảo an toàn lao động tại hiện trường lao động; thường xuyên tổ chức bồi huấn nâng cao kỹ năng tổ chức công việc đảm bảo an toàn đối với cấp quản lý trực tiếp; nâng cao kỹ năng nhận diện và khả năng phòng chống các yếu tố rủi ro an toàn lao động cho người lao động…

Tuy nhiên, dù có triển khai những giải pháp nào đi nữa thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành quy trình lao động của người lao động được nâng cao thì tai nạn lao động mới có thể hạn chế.


  • 22/11/2016 04:45
  • Bài và ảnh: Ngọc Anh
  • 8525