Tiềm ẩn nguy cơ cháy chập từ biển quảng cáo

Theo Trung tá Bùi Quang Việt – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (CSPCCC&CNCH), những tấm biển quảng cáo lớn treo trên các cửa hàng, cửa hiệu tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ do chập điện.

Phổ biến cháy do chập điện

Ngày 1/11/2016, tại nhà hàng kinh doanh karaoke số 68 Trần Thái Tông, Hà Nội đã xảy ra cháy lớn, ngọn lửa lan nhanh sang 3 tòa nhà kề bên, làm 13 người thiệt mạng và rất nhiều tài sản bị thiêu rụi. Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân ban đầu được xác định là do thợ hàn thiếu cẩn trọng khi hàn biển quảng cáo tại tầng 2, gây bắn các tia vảy hàn có nhiệt độ cao vào phần cách âm gắn trên tường rồi gây cháy.

Trước đó, ngày 17/9/2016, xuất phát từ sự cố cháy biển quảng cáo tầng 2, sau đó, ngọn lửa lan rộng ra 8 tầng quán karaoke số 85 phố Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ cháy do chập điện tại các biển quảng cáo cỡ lớn xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh thành khác trên cả nước trong thời gian gần đây. Điều đó làm dấy lên tâm lý hoang mang, lo ngại cho người dân khi phải chung sống với hệ thống điện dân dụng và phòng cháy chữa cháy thiếu an toàn trong khu vực dân cư. 

Vì sao nên nỗi?

Theo phân tích của Trung tá Việt, biển quảng cáo chủ yếu làm bằng nhựa, một số nơi còn dùng vải bạt, là những vật liệu dễ cháy và bắt lửa trong thời gian rất ngắn. Bên cạnh đó, các biển quảng cáo đều lắp nhiều bóng đèn led trên diện tích nhỏ, công suất điện năng sử dụng lớn, nhiệt lượng toả ra nhiều mà lại không có thiết bị tản nhiệt, nên dễ gây ra cháy.

Một số nguyên nhân khác cũng được tính đến như các biển quảng cáo đa số lắp đặt ngoài trời, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mưa, gió, hệ thống dây điện, bóng đèn dễ hư hỏng, xuống cấp, nhưng không được khắc phục, bảo dưỡng kịp thời. Cũng không thể loại trừ nguyên nhân biển quảng cáo được lắp đặt bằng các thiết bị rẻ tiền, kém chất lượng, không đảm bảo khả năng cách điện, cách nhiệt; trong quá trình sử dụng nhiều khi dẫn đến tự chập, cháy, nổ.

“Biển quảng cáo cỡ lớn, lắp đặt kín mặt tiền các toà nhà với hệ thống khung nhôm, thép, sắt cũng làm cản trở rất nhiều đến công tác cứu hoả, cứu nạn khi xảy ra cháy. Lúc đó, người ở bên trong toà nhà không thoát ra ngoài được, mà cảnh sát chữa cháy bên ngoài cũng rất khó khăn, mất thời gian để tiếp cận bên trong” – Trung tá Bùi Quang Việt cho hay.

Để tránh hiểm họa

Trước mắt, Cục khuyến cáo các đơn vị, nhà hàng khi thi công cần chọn mua vật liệu, linh kiện đèn led, dây điện đúng tiêu chuẩn, có xuất xứ rõ ràng, lắp các bảng mạch điện có tính ổn định cao, lắp cầu dao riêng cho hệ thống biển hiệu. Hệ thống cầu dao, thiết bị đấu nối cần được bảo vệ trong tủ điều khiển sơn tĩnh điện có khả năng chống nước, chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Ngoài ra, khi lắp đặt biển quảng cáo, các đơn vị thi công cũng cần chú ý tránh những nơi gần lưới điện, máy biến áp, nguồn nhiệt có thể gây ra nguy cơ cháy cao. Từ những tai nạn đáng tiếc đã xảy ra, Cục CSPCCC&CNCH khuyến cáo người dân không sử dụng biển quảng cáo quá to, chiếm toàn bộ mặt tiền và lối thoát hiểm của các toà nhà. 

Yêu cầu về chiếu sáng đối với phương tiện quảng cáo ngoài trời: 

- Các thiết bị chiếu sáng công trình quảng cáo phải sử dụng loại thiết bị có hiệu suất năng lượng chiếu sáng cao, an toàn trong quản lý, vận hành và sử dụng.
- Hệ thống dây dẫn điện cho công trình quảng cáo phải có lớp cách điện, tránh gây chạm, chập điện từ dây nguồn, hoặc trong hộp kỹ thuật do ảnh hưởng của thời tiết.
- Khi thi công các mối nối của hệ thống chiếu sáng bên trong công trình quảng cáo phải đảm bảo yêu cầu cách điện, giảm khả năng tỏa nhiệt từ các loại đèn chiếu sáng làm bắt lửa, gây cháy lan sang các bộ phận liền kề khác.
- Lựa chọn aptomat và tiết diện dây dẫn phù hợp với hệ thống chiếu sáng công trình quảng cáo.
Nguồn: Thông tư số 19/2013/TT-BXD (ngày 31/10/2013)

 


  • 07/12/2016 09:23
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 9293