Buổi làm việc giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đoàn công tác của UBND tỉnh Bình Phước diễn ra ngày 13/3, tại Hà Nội
|
Theo ông Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Trưởng đoàn công tác, trong những năm qua, EVN đã đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Giai đoạn 2011-2015, điện thương phẩm toàn tỉnh tăng trưởng bình quân gần 17%/năm. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có 111/111 xã, phường, thị trấn có điện lưới Quốc gia, số hộ dân có điện đạt 98,62%.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước mong muốn EVN quan tâm đầu tư các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng đường dây truyền tải nhằm giải tỏa công suất cho các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh do các chủ đầu tư khác thực hiện.
Đối với đề xuất của địa phương, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết, theo Đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Phước, tổng công suất các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 khoảng 3.500 MW, đến năm 2030 là trên 5.000 MW.
Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ đầu tư dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1 với công suất 220 MWp.
Đối với kiến nghị đầu tư đường dây truyền tải, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết: Theo quy định, chủ đầu tư các dự án điện mặt trời có trách nhiệm đầu tư các công trình lưới điện đấu nối. Do dó, trong trường hợp kết hợp đấu nối các dự án điện mặt trời thông qua TBA 220 kV Lộc Tấn và đường dây 220 kV Lộc Tấn – Bình Long, EVN thống nhất phương án chia sẻ vốn đầu tư như đề xuất của tỉnh.
Các đơn vị liên quan của EVN sẽ phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Phước và các nhà đầu tư điện mặt trời xây dựng cơ chế để báo cáo Bộ Công Thương xem xét quyết định.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành mong muốn UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị Bộ Công Thương sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện mặt trời, trong đó xác định và đánh giá tiềm năng phát triển, tính khả thi và phân kỳ thực hiện các dự án theo từng giai đoạn; định hướng phát triển lưới điện trong khu vực và bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu đấu nối và giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời.
Lãnh đạo EVN cũng mong muốn địa phương tạo điều kiện tối đa EVN và các đơn vị trực thuộc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công trình TBA 500 kV Chơn Thành, đường dây 500 kV Đức Hòa - Chơn Thành, đường dây 220 kV Bình Long – Tây Ninh…; tiếp tục hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, giám sát, kiểm tra việc thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn cũng như tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về trách nhiệm bảo vệ an toàn công trình lưới điện, xử lý nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm trong sử dụng và an toàn hành lang lưới điện.