EVN tập huấn về công tác điều tra, truy vết và nguyên tắc điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19

Sáng 21/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mời PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp về Phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tập huấn trực tuyến cho các đơn vị thành viên của EVN về điều tra, truy vết và nguyên tắc điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Dự và chủ trì hội nghị có ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN.

CBNV EVN tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh trong ca trực vận hành. Ảnh: ĐVCC.

PGS.TS Trần Đắc Phu truyền đạt nội dung tập huấn qua chuyên đề "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả" đến toàn thể các đại biểu tham dự. Trong đó nhấn mạnh, tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều quốc gia đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh do biến thể Omicron. Gần đây, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới. Biến thể Omicron dự kiến sẽ chiếm chủ đạo số ca mắc tại châu Âu trong tháng tới.

Tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay có 1.524.368 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu tính tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.458 ca nhiễm).

Để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo phân cấp độ dịch theo nguy cơ để có đáp ứng phù hợp, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó; tránh đáp ứng không phù hợp sẽ không kiểm soát được dịch bệnh hoặc gây ảnh hưởng tới kinh tế, an sinh xã hội.

Đặc biệt, trong điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, căn cứ Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ ngày 06/8/2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 về tài liệu “Hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng” bao gồm: tầng 1 - điều trị các trường hợp triệu chứng nhẹ và không triệu chứng; tầng 2 - các bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyển đổi công năng chuyên thu dung các trường hợp có triệu chứng trung bình, có bệnh nền; tầng 3 - điều trị các trường hợp nặng và nguy kịch. 

Cũng tại hội nghị này, PGS.TS Trần Đắc Phu đã trao đổi, hướng dẫn cụ thể với các đơn vị thành viên của EVN về nguyên tắc điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. 

Đánh giá chung của EVN, thời gian qua các đơn vị thành viên cơ bản triển khai hiệu quả các chỉ đạo hướng dẫn của EVN và của địa phương về phòng, chống dịch bệnh. Một số đơn vị đã thành lập Tổ tư vấn COVID-19 của riêng đơn vị để tư vấn, theo dõi, hỗ trợ điều trị kịp thời cho CBCNV mắc dịch bệnh thể nhẹ điều trị tại nhà. 

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, dịch bệnh đang tiến triển rất nhanh và khó lường. Do tính chất và điều kiện lao động của CBCNV EVN tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan mạnh, vì vậy các đơn vị thành viên cần phải rất tích cực để đối phó với dịch bệnh. Tập đoàn yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K, triển khai công tác tiêm vắc xin mũi bổ sung.

Các đơn vị cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện phương án phòng, chống dịch bệnh theo Nghị quyết 128/NQ-CP; hoàn thiện phương án/quy trình xử lý chống dịch trong trường hợp đơn vị có CBCNV dương tính theo hướng dẫn tại văn bản số 5227/EVN-TCNS ngày 03/8/2020; thực hiện triệt để công tác truy vết dịch tễ. 

Đối với địa phương có nguy cơ, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, các đơn vị cần thực hiện nghỉ tập trung sau ca vận hành, sửa chữa, đảm bảo quân số lao động và phòng chống dịch.

Một số lưu ý khi điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại nhà:

- Lưu số điện thoại đường dây nóng phòng, chống dịch; số điện thoại của nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe.

- Thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm.

- Chuẩn bị các vật dụng tối thiểu như: Khẩu trang y tế dùng 1 lần; găng tay y tế sạch; dung dịch sát khuẩn tay/xà phòng; dụng cụ cá nhân (bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm - giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng,...); máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân. 

- Thiết bị, vật tư y tế cần có: Nhiệt kế, máy đo độ bão hòa ô xy đầu ngón tay (SpO2); máy đo huyết áp; điện thoại hoặc máy tính để liên lạc với nhân viên y tế; thùng rác thải y tế; túi thuốc điều trị tại nhà

- Bệnh nhân điều trị tại nhà nên có người thân chăm sóc.

(Theo PGS.TS Trần Đắc Phu)


  • 21/12/2021 02:14
  • Di Linh
  • 18319