Theo đó thành phần Ban Chỉ đạo gồm: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Các Phó trưởng ban Chỉ đạo gồm: Tổng giám đốc EVN, thành viên HĐTV, Trưởng ban Kiểm soát nội bộ; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy EVN, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy EVN và 15 Ủy viên là Trưởng các ban của EVN, Chủ tịch HĐTV các Tổng công ty.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng EVN thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và theo quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng EVN. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 612/QĐ-EVN ngày 29/8/2012 của HĐTV EVN về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tập đoàn về phòng, chống tham nhũng.
Cùng ngày, EVN cũng có văn bản số 166/TB-EVN Thông báo kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng EVN Hoàng Quốc Vượng về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2014. Theo đó, trong năm 2013, công tác PCTN của EVN được duy trì thực hiện theo quy định như: Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN; công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN; thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng… Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Tập đoàn được triển khai thực hiện đầy đủ. Đồng thời trong năm 2013, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và một số cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã thực hiện thanh tra, kiểm toán tại Tập đoàn. Kết quả các hoạt động thanh tra, kiểm toán cho thấy chưa phát hiện thấy dấu hiệu tham nhũng tại EVN.
Trong năm 2014, EVN quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTN với các biện pháp cụ thể như: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản của Tập đoàn về công tác PCTN để toàn thể CBCNV nhận thức và có ý thức phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị mình; Trong việc xây dựng cơ chế chính sách, quy chế, quy định nội bộ: Tập đoàn sẽ áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát các quy chế, quy định và hệ thống văn bản quản lý nội bộ để lược bỏ những thủ tục không cần thiết, có nguy cơ phát hiện tiêu cực, tham nhũng, đặc biệt là trong các lĩnh vực: tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh, dịch vụ khách hàng.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cả hệ thống quản lý trong toàn Tập đoàn: Ủy ban Kiểm tra Đảng, Công đoàn và các Ban chức năng của EVN thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhằm phát hiện kịp thời những sơ hở trong cơ chế quản lý, có biện pháp xử lý đối với các cá nhân, tập thể vi phạm; Đối với các hạng mục/công trình do EVN phê duyệt, các Ban chức năng của Tập đoàn cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, báo cáo kịp thời với người có thẩm quyền về tiến độ thực hiện các quyết định phê duyệt trên.
Tập đoàn kiên quyết xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực hoặc sai phạm trong công tác quản lý dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho Tập đoàn.