Ông Lưu Việt Tiến
|
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết khái quát sự phát triển của hệ thống lưới điện truyền tải điện Việt Nam trong hơn 10 năm qua?
Ông Lưu Việt Tiến: Hơn 10 năm qua, hệ thống truyền tải điện quốc gia đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, trình độ công nghệ. EVNNPT đã vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống truyền tải điện quốc gia với mức tăng sản lượng điện truyền tải bình quân 10,95%/năm. Đến nay, hệ thống truyền tải điện quốc gia đã vươn tới tất cả các tỉnh, thành, trong cả nước và kết nối với lưới truyền tải điện của Trung Quốc, Lào, Campuchia. So với khi thành lập EVNNPT (7/2008), chiều dài đường dây truyền tải điện đã tăng 2,3 lần, số TBA tăng 2,5 lần, dung lượng MBA tăng 4,2 lần.
PV: Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với EVNNPT là gì, thưa ông?
Ông Lưu Việt Tiến: Đó là nguồn nhân lực. So với khi thành lập EVNNPT, tổng số CBCNV của EVNNPT tăng 15%, nhưng số lượng lao động sản xuất kinh doanh (SXKD) điện lại giảm 5,28%. Thực hiện chủ trương của EVN về nâng cao năng suất lao động, EVNNPT tiếp tục tiết giảm lao động SXKD theo hướng tách bạch, sắp xếp hài hòa lao động giữa các khâu quản lý vận hành, quản lý dự án đầu tư và dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện. Tuy nhiên, việc hạn chế tiếp nhận các lao động mới, trẻ, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng ngoại ngữ tốt sẽ dẫn đến nguy cơ già hóa đội ngũ cán bộ và làm giảm khả năng sáng tạo, năng lực ứng dụng thành tựu KHCN trong lĩnh vực truyền tải điện. Ví dụ, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) để quản lý vận hành đường dây đòi hỏi lao động đủ khả năng điều khiển UAV, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích hình ảnh…
PV: EVNNPT đã có những giải pháp nào để khắc phục những khó khăn trên, thưa ông?
Ông Lưu Việt Tiến: EVNNPT đã tuyển chọn và tổ chức các khóa đào tạo nâng cao về hệ thống điều khiển bảo vệ (HTĐKBV) Siemens, ABB, Toshiba cho các cán bộ kỹ thuật. Cán bộ sau khi được đào tạo, sẽ giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho các cán bộ kỹ thuật khác, đồng thời tự thực hiện cấu hình, tích hợp HTĐKBV của các hãng. Nhờ đó, EVNNPT chủ động trong việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng HTĐKBV các TBA, giảm chi phí đầu tư (so với phương án thuê nhà thầu bên ngoài thực hiện). EVNNPT cũng đã tuyển chọn và tổ chức đào tạo các khóa về công nghệ MBA, bước đầu tạo nhóm chuyên gia tư vấn về MBA cho Tổng công ty. Bên cạnh đó, EVNNPT tiếp tục cử cán bộ tham gia vào Đề án đào tạo chuyên gia của Tập đoàn trong các lĩnh vực, tự động hoá lưới điện, thí nghiệm điện, quản lý dự án đầu tư xây dựng... Đồng thời, EVNNPT cũng chú trọng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và các kỹ năng khác phục vụ công việc cho CBCNV.
PV: Giải pháp nào giúp EVNNPT có thể tiếp tục tăng năng suất lao động, giảm sự cố trong thời gian tới?
Ông Lưu Việt Tiến: Để giảm sự cố trên lưới điện truyền tải, EVNNPT đang tích cực từng bước nâng cấp lưới điện truyền tải, giảm sự cố do thiết bị đã cũ; chuẩn hóa đặc tính kỹ thuật thiết bị để nâng cao chất lượng thiết bị mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm sự cố chủ quan; ứng dụng các thành tựu mới về KHCN, chủ động dự báo nguy cơ sự cố tiềm ẩn…
Thời gian tới, EVNNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các TBA không người trực, theo đúng định hướng của EVN là đến 2020 đạt 60% TBA 220 kV vận hành không người trực. Đồng thời, EVNNPT từng bước ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong quản lý vận hành đường dây. Đây sẽ là hai giải pháp đột phá giúp EVNNPT tăng năng suất lao động.
PV: Tổng công ty đã đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ là một trong các đơn vị đứng đầu châu Á về chất lượng dịch vụ truyền tải điện. Ông có thể cho biết rõ hơn về mục tiêu này và những định hướng phát triển lưới điện thông minh trong tương lai?
Ông Lưu Việt Tiến: Theo “Chiến lược phát triển EVNNPT”, đến năm 2020 EVNNPT trở thành một trong 4 tổ chức truyền tải điện hàng đầu ASEAN. Năm 2025, EVNNPT trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á. Năm 2030, EVNNPT sẽ đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện.
Căn cứ vào sản lượng điện truyền tải, hiện EVNNPT đang nằm trong nhóm 10 tổ chức truyền tải điện hàng đầu châu Á. Còn về quy mô và khối lượng đường dây truyền tải điện, dung lượng các TBA, căn cứ vào 4 tiêu chí đánh giá chất lượng của hệ thống truyền tải điện (độ tin cậy, độ sẵn sàng, suất sự cố và tổn thất truyền tải), EVNNPT đang tiếp cận top 10 này. Như vậy, mục tiêu đến năm 2025 của EVNNPT là hoàn toàn khả thi.
EVNNPT cũng đang triển khai Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”, trong đó có nhiều dự án thành phần phát triển lưới điện thông minh như: TBA số; hệ thống giám sát MBA, đánh giá tình trạng MBA, tính toán khả năng tải động, mức độ lão hóa cách điện, tuổi thọ MBA, chẩn đoán và cảnh báo các nguy cơ, sự cố tiềm ẩn...
PV: Xin cảm ơn ông!