Thúc đẩy phát triển kinh tế biển miền Trung: Điện tạo thêm sức hút các nhà đầu tư

Không chỉ được cung ứng đủ điện, mà chất lượng điện năng cũng là yếu tố quan trọng, tạo động lực cho 14 tỉnh ven biển miền Trung phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn.

Tiềm năng kinh tế biển 

Quảng Ngãi là một trong các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây cũng là một trong những địa phương có mức tăng trưởng điện thương phẩm cao nhất cả nước. Riêng tại đảo Lớn, huyện đảo Lý Sơn, nếu như năm 2013, số hộ có điện chỉ chiếm 73,11%, đến năm 2018, 100% số hộ dân đã có điện. Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, ông Nguyễn Quốc Việt khẳng định, điện lưới quốc gia đã tạo cú hích cho huyện đảo chuyển mình, làm thay đổi bộ mặt của huyện trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. 

Nhờ có điện ổn định, Lý Sơn đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế biển đảo. Nếu như trước năm 2013, lượng khách du lịch tới đảo Lý Sơn hàng năm chỉ dưới 10.000 lượt khách, đến năm 2019, lượng khách đã tăng gấp khoảng 23 lần. Cũng nhờ có điện lưới quốc gia, người dân Lý Sơn đã áp dụng mô hình tưới tiêu bằng hệ thống béc-phun (tưới dạng phun mưa), tiết kiệm nguồn nước vốn khan hiếm trên đảo, đồng thời, tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất cây trồng, góp phần phát triển thương hiệu đặc sản tỏi Lý Sơn. Bên cạnh đó, nguồn điện ổn định cũng giúp dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển thuận lợi, bà con ngư dân an tâm bám biển.

Không chỉ tại tỉnh Quảng Ngãi, mà ở toàn bộ 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, EVN cùng các tổng công ty điện lực đã đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Từ năm 2016 tới nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân toàn vùng đạt khoảng 7,62%/năm, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Năm 2018, GRDP bình quân đầu người của vùng tăng từ 1.850 USD/người (năm 2016) lên 2.074 USD/người, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra. 

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Khu vực công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt khoảng 10,36%/năm (cao hơn mức bình quân cả nước) nhờ sự đóng góp của các dự án công nghiệp động lực như: Dầu khí, luyện thép, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo... Trong tương lai, miền Trung được định hướng tập trung phát triển kinh tế biển, ven biển với các trụ cột: Ngư nghiệp, du lịch, cảng biển, công nghiệp chế biến hải sản, công nghiệp ven biển và phát triển năng lượng tái tạo.

Thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Đăng Đệ

Phát triển lưới điện thông minh 

Sự “chuyển mình” của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung kéo theo nhu cầu lớn về điện năng. Để đảm bảo đủ điện, EVN đã không ngừng đầu tư phát triển các dự án nguồn điện tại chỗ. Từ năm 2011 đến nay, ở khu vực này đã có 8 dự án với tổng công suất 4.306 MW được đưa vào vận hành. Với việc sản xuất, kinh doanh điện hiệu quả, các nhà máy này không chỉ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện năng mà còn đóng góp đáng kể vào ngân sách các địa phương. Ngoài ra, EVN và các đơn vị đang triển khai đầu tư các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... 

Đồng bộ với việc đầu tư, xây dựng nguồn điện, EVN/Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã liên tục đầu tư mở rộng lưới điện 500 kV - 220 kV, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống nói chung và khu vực 14 tỉnh, thành phố ven biển miền Trung nói riêng. 

Việc đảm bảo điện cho phát triển du lịch, công nghiệp chế biến… không chỉ dừng lại ở mức cung ứng đủ điện, mà còn phải đảm bảo chất lượng và độ tin cậy cung ứng điện cao. Đối với lưới phân phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung , các tổng công ty điện lực thuộc EVN đã từng bước xây dựng hạ tầng lưới điện tiên tiến, hướng tới phát triển lưới điện thông minh trong tương lai. Tiêu biểu, tại 9/14 tỉnh ven biển miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã cơ bản hoàn thành số hóa thông tin khách hàng trên nền tảng Google maps. Theo đó, thông tin lưới điện, tọa độ cột, tọa độ công tơ khách hàng miền Trung… được số hóa trên ứng dụng, dễ dàng khai thác dữ liệu, rút ngắn thời gian phục vụ khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ điện. Tại hầu hết các tỉnh, EVN và các tổng công ty điện lực đã triển khai thành công trung tâm điều khiển xa và trạm biến áp không người trực, điều hành qua hệ thống SCADA. 

EVN và các tổng công ty điện lực cũng đã đẩy mạnh ứng dụng thành tựu KHCN hiện đại vào vận hành lưới điện như: Công nghệ sửa chữa điện không cần cắt điện (hotline), vệ sinh sứ hotline, sử dụng camera nhiệt, phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, sử dụng hệ thống tự động phát hiện và khoanh vùng sự cố điện. Qua đó, giảm tối đa thời gian mất điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng, tạo động lực giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, SXKD, góp phần phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn tại miền Trung. 

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung:

Gồm 14 tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. 
Dân số toàn vùng: Khoảng 20,2 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước
Diện tích tự nhiên: Chiếm 28,9% diện tích cả nước.

Nhu cầu điện năm 2018 của 14 tỉnh:

- Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm: 10,2%, tương đương bình quân cả nước. 
- Sản lượng điện thương phẩm: 25,44 tỷ kWh, trong đó thành phần phụ tải công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 39,5%.


  • 18/10/2019 10:35
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 7671