Quá tải lưới điện
Ông Nguyễn Phước Đức – Phó Tổng giám đốc EVNSPC cho biết, giai đoạn 2011 – 2015, EVNSPC đã đầu tư 876 tỷ đồng thực hiện các dự án, công trình đảm bảo cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp tại một số tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tuy nhiên, việc nuôi tôm theo hình thức bán công nghiệp của các hộ dân ở khu vực này chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, sử dụng nguồn điện từ ánh sáng sinh hoạt, dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện, chất lượng điện áp không đảm bảo.
Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn lại liên tục tăng, nhưng phát triển thiếu đồng bộ. Lý giải về thực trạng này, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển sản xuất còn nhiều bất cập, người dân tự ý chuyển đổi mô hình sản xuất.
Chính vì vậy, mặc dù EVNSPC đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, song vẫn chưa đáp ứng đủ, do nhu cầu đầu tư, cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ nuôi trồng và sản xuất mặt hàng này thời gian tới vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, việc huy động vốn lại gặp rất nhiều khó khăn mà riêng EVNSPC không thể “gánh” nổi.
Diện tích nuôi tôm ngày càng được mở rộng tại các tỉnh ĐBSCL - Ảnh: CTV
|
Hằng năm cần hàng trăm tỷ đồng
Từ nay đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư phát triển lưới điện trung, hạ áp phục vụ nuôi trồng thủy sản tại 6 tỉnh ven biển ĐBSCL dự kiến khoảng 1.494,8 tỷ đồng. Trong năm 2017, EVNSPC dự kiến đầu tư 303 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có cấp điện phục vụ nuôi tôm, trong đó ưu tiên các khu vực cấp bách, có tiềm năng phát triển mạnh.
Ngoài ra, EVNSPC còn tranh thủ các nguồn vốn vay ODA thông qua Dự án phân phối hiệu quả 2 (DEP2), thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2020 với tổng vốn đầu tư khoảng 1.136 tỷ đồng, cải tạo và phát triển 979 km đường dây trung hạ thế và 133 MVA dung lượng trạm biến áp.
EVNSPC sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực ĐBSCL và một số tỉnh Nam Trung Bộ giai đoạn 2016 – 2018, tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong nuôi tôm.
Tuy nhiên, để việc cấp điện nuôi tôm đạt hiệu quả cao, EVNSPC đề nghị chính quyền các địa phương có quy hoạch vùng nuôi tôm cũng như vận động nhân dân phát triển nuôi tôm đúng Quy hoạch chung, tạo điều kiện cho việc đầu tư hệ thống lưới điện trung, hạ áp được đồng bộ và đảm bảo kỹ thuật; Vận động nhân dân thực hiện nghiêm việc giải phóng mặt bằng để ngành Điện thi công xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ cấp điện cho nuôi tôm công nghiệp; Vận động và hỗ trợ nhân dân tiếp cận sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện trong quy trình nuôi tôm công nghiệp.
EVNSPC cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư phát triển các khu vực còn nhiều khó khăn, vì nhu cầu vốn đầu tư cấp điện cho nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh này đến 2020 là rất lớn, trong khi khả năng huy động vốn của EVNSPC còn hạn chế.
Tại Hội nghị phát triển ngành Tôm Việt Nam (diễn ra đầu tháng 2/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu:
- EVN phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát và có kế hoạch bố trí nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng, đảm bảo cung cấp đủ điện cho các vùng nuôi tôm;
- Đưa Việt Nam trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới;
- ĐBSCL phải là “thủ phủ” của ngành công nghiệp, nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên thế giới.
Ông Nguyễn Minh Đác - Tổ trưởng Tổ bảo trì hệ thống điện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (Chi nhánh Bạc Liêu 2) cho biết: Công ty đã thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp được 8 năm. Thời gian đầu lưới điện vừa yếu, lại không ổn định. 3 năm trở lại đây, chất lượng điện năng đã ổn định hơn. Hàng năm, ngành Điện còn cử người xuống tận cơ sở giới thiệu, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Nhờ có điện lưới ổn định, doanh thu của Công ty ngày càng tăng. Dự kiến, năm 2017, Công ty sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm lên gần 200 ha.
|