Được biết, quý I năm 2013, sản lượng than bán cho điện đạt mức 4 triệu tấn, chiếm tới hơn 50% sản lượng than tiêu thụ trong nước. “Như vậy việc tăng giá than cho điện sẽ dẫn đến hệ quả là giá thành sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện than tăng theo. Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN phải tính toán lại chi phí phát sinh và các ảnh hưởng khi giá bán than cho điện tăng 27 % cũng như tình hình thực tế vận hành sản xuất điện thời gian qua. Hiện Bộ Công Thương đang chờ báo cáo từ phía EVN rồi sẽ xem xét, đánh giá và quyết định cụ thể” - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Đặng Huy Cường cho biết.
Giá than bán cho ngành điện tăng từ ngày 20/4 khiến chi phí sản xuất điện tăng theo - Ảnh: CTV
|
Theo ông Nguyễn Loãn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát điện 1 (EVN GENCO1), việc tăng giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện than vừa qua rõ ràng đã làm tăng chi phí sản xuất điện. Đặc biệt, trong những tháng cao điểm mùa khô này, EVN luôn phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than và khí.
Đơn cử, với Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Uông Bí, mỗi năm tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn than. Với giá than trước thời điểm 20/4 là khoảng 1 triệu đồng/ tấn, nay tăng lên gần 1,3 triệu đồng/tấn. Như vậy, chỉ tính riêng tiền mua nhiên liệu đầu vào, mỗi năm chi phí của Công ty đã tăng thêm khoảng 600 tỷ đồng; Nhiệt điện Ninh Bình hằng năm chỉ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn than, nhưng với mức tăng giá bán than như hiện nay, chi phí sản xuất điện của Công ty hằng năm tăng thêm khoảng 150 tỷ đồng và Công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cân đối tài chính.
Theo ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc giá than tăng đã phần nào gỡ khó cho ngành Than, nhưng làm cho chi phí sản xuất điện tăng cao. Lúc này, theo tôi, EVN, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần cùng tính toán, cân đối các thông số đầu vào cơ bản cho sản xuất điện, để có mức điều chỉnh về giá điện hợp lý, gỡ khó cho EVN.