Hệ thống điện 5 tháng đầu năm cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân

Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2013, mặc dù diễn biến thời tiết khí hậu không thuận lợi, mực nước về các hồ chứa thủy điện thấp, nhu cầu phụ tải tăng cao... nhưng với sự nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hệ thống điện cả nước vận hành cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Sản lượng điện tăng cao

Nhìn chung, tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2013, phụ tải và sản lượng điện cả nước đều tăng cao, nhất là các địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Thậm chí, có những thời điểm phụ tải ngày của thành phố Hà Nội tăng gần 150% so với bình thường.

Tính đến hết tháng 5, công suất cực đại của hệ thống điện quốc gia (HTĐQG) đạt 19.948 MW, tăng 8,61% so với cùng kỳ 2012; sản lượng ngày cao nhất đạt 421,47 triệu kWh. Đây là mức công suất và sản lượng cao nhất từ đầu năm đến nay. Lũy kế phụ tải HTĐQG tháng 5 đạt 11,814 tỷ kWh, trung bình ngày đạt 381,1 triệu kWh/ngày, tăng 11,42% so với cùng kỳ năm 2012. So với phương thức vận hành tháng 5 đã được phê duyệt, phụ tải thực tế đạt 100,26%.

Công tác sữa chữa, thay mới các hệ thống đường dây truyền tải được PTC1 đẩy mạnh trước mùa nắng nóng 2013 - Ảnh: Xuân Tiến

Theo đó, lũy kế sản lượng toàn hệ thống điện cả nước 5 tháng đầu năm 2013 đạt 52.811 tỷ kWh, trung bình ngày đạt 349.74 triệu kWh/ngày, tăng 11.63% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là một thách thức lớn đối với vận hành hệ thống điện quốc gia nói chung, các điều độ miền nói riêng.

Mặc dù vậy, do đã có tính toán nhu cầu phụ tải và dự phòng các kịch bản ứng phó nên nhìn chung, hệ thống điện cả nước vận hành ổn định, cơ bản đảm bảo cho các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung, nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân nói riêng không bị gián đoạn, đảo lộn nhiều.

Kịp thời xử lý nhanh các sự cố

Mặc dù hệ thống điện nói chung vận hành ổn định, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, thời gian này vẫn xảy ra một số sự cố đáng tiếc.

Cụ thể như: Nhảy MBA AT2 Phú Lâm do nổ TU3AT2 gây mất tải cho Hồ Chí Minh, Long An ; sự cố hy hữu trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc – Nam tuyến  Di Linh - Tân Định, do nguyên nhân khách quan từ 1 xe cần cẩu chở cây cao vi phạm hành lang an toàn lưới điện, va chạm mạnh vào đường dây 500kV ở khoảng trụ 1072-1073.

Sự cố xảy ra trong lúc hệ thống đang truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500 kV Bắc – Nam, khiến HTĐ miền Nam rã lưới gây mất điện trên diện rộng. Bằng nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), A0 và các đơn vị liên quan đã nhanh chóng xử lý sự cố, khắc phục và tái cấp điện cho toàn miền Nam sau gần 9 tiếng.

Nhiều bài học đã được rút ra sau sự cố hy hữu này, đặc biệt là công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện nói chung, hệ thống lưới siêu cao áp nói riêng. Hiện tại, A0 vẫn đang tập trung thu thập số liệu, các bản ghi sự cố từ các Trạm và nhà máy để phân tích, tìm nguyên nhân và nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa các sự cố tương tự.

Tháng 6: Huy động tối đa các nguồn điện

Tiếp tục huy động tối đa các nguồn điện, kể cả nhiệt điện chạy dầu, than, khí… giá cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao trong tháng 6 – tháng cao điểm nắng nóng – đó là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này của EVN.

Cụ thể, các Nhà máy Thủy điện Sơn La, Hòa Bình sẽ được huy động tối đa công suất.

Các nguồn nhiệt điện than và khí cũng sẽ được huy động cao để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho hệ thống. Theo tính toán, phụ tải tháng 6 sẽ tăng gần 11%.

Với dự báo nhu cầu phụ tải tháng 6 tăng khoảng gần 11%, nếu không có những tình huống khách quan quá bất thường, EVN cam kết nỗ lực đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định cho nhân dân cả nước.

 

Các nguồn điện dự kiến huy động trong tháng 6/2013:

- Nhiệt điện than: 2.662 tỷ kWh

- Nhiệt điện khí: 3.761 tỷ kWh

- Thủy điện: 4.779 tỷ kWh

- Nhập khẩu Trung Quốc:  293 triệu kWh

 - Các nguồn khác: 40 triệu kWh

 


  • 03/06/2013 11:20
  • Vĩnh Long
  • 3306