Giảm tổn thất điện năng lưới điện hạ áp nông thôn miền Bắc sau tiếp nhận: Vẫn là… thiếu vốn!

Giảm tổn thất điện năng lưới điện hạ áp nông thôn sau khi tiếp nhận đang là một trong những vấn đề nổi cộm của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) do lưới điện ở khu vực này đều đã xuống cấp, tổn thất điện năng cao…

Tổn thất đến 20 - 25%

Là đơn vị tiếp nhận khối lượng lưới điện hạ áp nông thôn lớn nhất ngành Điện, 7 năm qua, EVNNPC đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) từ hơn 4.600 xã và cụm xã với hơn 65.000 km đường dây hạ thế và hơn 4,8 triệu khách hàng. 

Ông Trịnh Phương Thao - Phó trưởng Ban Kỹ thuật EVNNPC cho biết, hệ thống LĐHANT khi tiếp nhận hầu hết đều chắp vá, cũ nát và xuống cấp nghiêm trọng: Bán kính cấp điện lớn, tiết diện và chất lượng dây dẫn không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, công tơ không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được kiểm định... “Chất lượng lưới điện kém, dẫn đến tỉ lệ tổn thất điện năng cao, dao động từ 20 - 25%, cá biệt có nơi lên tới 40%”, ông Thao cho biết. 

Ngay sau khi tiếp nhận, để đảm bảo an toàn trong vận hành LĐHANT, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và giảm tổn thất điện năng, EVNNPC đã chỉ đạo các công ty điện lực tập trung các nguồn vốn tự có, vốn khấu hao để tiến hành cải tạo ngay những khu vực lưới điện quá cũ nát, mất an toàn; thay thế công tơ chuẩn, đảm bảo đủ điều kiện bán điện theo quy định. Đồng thời, Tổng công ty cũng tranh thủ vay vốn từ các nguồn dài hạn, lãi suất thấp, ưu tiên vốn vay ODA để từng bước cải tạo, nâng cấp LĐHANT, nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng điện. 

Bên cạnh việc đầu tư cải tạo, nâng cấp LĐHANT, các công ty điện lực cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng điện, đẩy mạnh truyên truyền, phổ biến tới tận người dân về bảo vệ an toàn lưới điện, phát hiện và ngăn chặn các hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức… 

Lưới điện nông thôn được đầu tư, nâng cấp nhằm giảm tổn thất điện năng 

Đặc biệt, do tiếp nhận khối lượng tài sản lớn và lượng khách hàng nhiều trong một thời gian ngắn, nên các đơn vị điện lực thiếu nhân công nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, EVNNPC đã tận dụng nguồn thợ điện nông thôn hiện có, sàng lọc, đưa đi đào tạo, đảm bảo đủ tiêu chuẩn tham gia hệ thống dịch vụ bán lẻ điện năng. Đồng thời, các công ty điện lực cũng bổ sung nhân lực hợp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành và kinh doanh bán điện. 

LĐHANT sau tiếp nhận đã từng bước được cải tạo, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện áp dần dần được cải thiện. “Đến nay, tổn thất điện năng tại các trạm hạ áp nông thôn giảm rõ rệt. Tính đến tháng 9 năm 2016, tỉ lệ tổn thất điện năng trên LĐHANT của EVNNPC giảm xuống còn 10,15%. Tuy giảm mạnh so với trước đây, nhưng nhìn chung, tổn thất điện năng khu vực này vẫn cao, làm ảnh hưởng đến tỉ lệ tổn thất chung của Tổng công ty” - ông Thao cho hay. 

5 - 7 tỷ đồng mỗi xã

Theo tính toán, để đầu tư, cải tạo nâng cấp LĐHANT, trung bình mỗi xã cần số vốn từ 5-7 tỷ đồng. Đây là vấn đề không đơn giản, đặc biệt là đối với EVNNPC, khi khối lượng tiếp nhận LĐHANT là rất lớn.

Đại diện Công ty Điện lực Nghệ An cho biết, tính đến cuối năm 2015, Công ty đã tiếp nhận LĐHANT từ 421/423 xã. Sau khi tiếp nhận, mặc dù đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng sửa chữa, cải tạo tối thiểu hệ thống điện, nhưng cũng chỉ đáp ứng được hơn 40% khối lượng LĐHANT cần cải tạo. 

Theo ông Thao, giảm tổn thất điện năng trên LĐHANT vẫn là bài toán nan giải, cần có lộ trình và triển khai từng bước. EVNNPC đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quản lý, đầu tư, vận hành cho đến kinh doanh... Đồng thời, Tổng công ty cũng đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cải tạo đã được phê duyệt; khẩn trương lắp đặt hệ thống tụ bù cho LĐHANT… 

Cùng với đó, các đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình vận hành lưới điện, duy trì công tác kiểm tra ngày, đêm để kịp thời phát hiện các điểm xung yếu, đưa vào kế hoạch sửa chữa thay thế các đoạn đường dây quá tải, xử lý các điểm điện áp thấp, cân đảo pha, luân chuyển các máy biến áp cho phù hợp công suất... 

“Đặc biệt, hàng tháng, các công ty điện lực phải kiểm soát chặt chẽ số liệu tổn thất điện năng của từng TBA, tổ chức kiểm tra xác định nguyên nhân và đưa giải pháp giải quyết các trạm có tổn thất cao, tổn thất bất thường”, ông Thao cho hay.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, EVNNPC phải giảm tỉ lệ tổn thất điện năng xuống 5%. Đây là một thử thách không nhỏ, đòi hỏi EVNNPC và các đơn vị trực thuộc phải triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu, đặc biệt phải chú trọng đến giảm tổn thất điện năng trên LĐHANT.  


  • 02/01/2017 05:04
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 11104