Góp phần tạo nên mốc son trên bản đồ thủy điện Việt Nam

7 năm ròng rã trên công trường Thủy điện Sơn La, 6 năm bám trụ với Thủy điện Lai Châu, khó có thể kể hết gian nan, vất vả mà CBCNV Ban Quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La - Lai Châu (Ban A Sơn La) đã trải qua. Nhưng vượt qua tất cả, Ban A Sơn La đã hoàn thành xuất sắc vai trò “nhạc trưởng” trên đại công trường, đưa hai công trình “về đích” trước thời hạn so với yêu cầu Quốc hội đề ra, làm lợi hàng nghìn tỷ đồng cho đất nước.

Ông Phạm Hồng Phương

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban A Sơn La (1/11/1996 - 1/11/2016), phóng viên Tạp chí Điện lực có cuộc trò chuyện với ông Phạm Hồng Phương - Giám đốc Ban A Sơn La về chặng đường gian nan, nhưng cũng rất đỗi tự hào của Ban.

Phóng viên (PV): Cảm xúc của ông lúc này thế nào khi Nhà máy Thủy điện Lai Châu chuẩn bị “về đích”, vượt tiến độ 1 năm so với kế hoạch? 

Ông Phạm Hồng Phương: Sau những năm tháng gian nan, vất vả, bám núi, bám rừng, bám công trường, công trình Thủy điện Lai Châu - Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) lớn thứ 3 Việt Nam - đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng, dự kiến “về đích” vào cuối năm nay, vượt tiến độ một năm so với kế hoạch. Có thể nói, đây là một món quà to lớn, đặc biệt ý nghĩa đối với Ban A Sơn La đúng dịp “sinh nhật” tròn “20 tuổi”. 

20 năm, chưa phải là một chặng đường dài, nhưng tập thể CBCNV Ban A Sơn La có thể tự hào về những đóng góp quan trọng của mình trong việc điều hành, quản lý dự án và triển khai thành công hai NMTĐ Sơn La (hoàn thành vào năm 2012) và nay là NMTĐ Lai Châu, góp phần tạo nên những mốc son chói lọi trên bản đồ thủy điện Việt Nam. 

Nói là mốc son chói lọi, bởi không chỉ hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, mà ở NMTĐ Sơn La và NMTĐ Lai Châu, từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, cung cấp thiết bị cơ khí thuỷ công, quản lý và vận hành đều do các chuyên gia, kỹ sư, công nhân người Việt Nam thực hiện; chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò hỗ trợ, thiết kế và giám sát. Qua đó khẳng định nội lực của người Việt trong xây dựng các công trình thủy điện. Đây cũng là hai dự án thủy điện đầu tiên của Việt Nam ứng dụng công nghệ mới - công nghệ bê tông đầm lăn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, tiết kiệm chi phí.

PV: Để tạo nên 2 kỳ tích thủy điện này, hẳn Ban A Sơn La đã phải vượt qua rất nhiều gian nan, thử thách, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Phương: 7 năm ròng rã trên công trường Thủy điện Sơn La, 6 năm bám trụ với Thủy điện Lai Châu, khó có thể kể hết khó khăn, vất vả mà CBCNV Ban A Sơn La cũng như các nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị phải trải qua. Dù giữa trưa hè nắng như đổ lửa hay lúc đêm đông giá buốt, hàng ngàn cán bộ, công nhân lao động trên công trường vẫn miệt mài, hăng say làm việc bất kể ngày, đêm. Biết bao giọt mồ hôi, nước mắt đã rơi xuống, hòa chung với đất, với cát, sỏi, xi măng... để tạo nên hai công trình thế kỷ. 

Giữa núi rừng Tây Bắc hoang sơ, khí hậu khắc nghiệt, chúng tôi còn phải đối mặt với hàng loạt những hiểm nguy: Đó là những lần sạt lở đất khi đi qua cung đường ngoằn ngoèo, dốc đứng; là những cơn lũ bất chợt tưởng chừng như thác lũ có thể cuốn phăng sinh mạng của hàng nghìn người trên công trường và bao công sức đã xây dựng bấy lâu... Đáng nhớ nhất là cơn lũ xảy ra vào năm 2005 trên công trình Thủy điện Sơn La và cơn lũ năm 2012 ở Thủy điện Lai Châu. Nguy hiểm khôn cùng, nhưng tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường vẫn quyết tâm bám trụ, sống chết với công trình. Tất cả cùng đồng sức, đồng lòng chống chọi với thiên nhiên, bảo vệ thành quả...

Nhà máy Thủy điện Sơn La

Đặc biệt, cả hai công trình đều “hứng trọn” 2 cuộc khủng hoảng kinh tế, với những “bài toán cân não” để giải tỏa “cơn khát” vốn cho công trường... Thế nhưng, vượt qua tất cả, cả hai công trình đều vượt tiến độ đề ra; chất lượng công trình đảm bảo yêu cầu và đã được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá cao.

PV: Từ Sơn La đến Lai Châu, đâu là yếu tố quyết định đưa hai công trình về đích trước hẹn, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Phương: Thành công của NMTĐ Sơn La và NMTĐ Lai Châu là kết quả tổng hợp của trí tuệ và sức mạnh Việt Nam. Đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ thông qua Ban Chỉ đạo Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong việc kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong suốt quá trình triển khai; sự nỗ lực của EVN trong việc thu xếp vốn cho công trình trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát không ngừng tăng cao; sự phối hợp tích cực, đồng bộ của chính quyền và nhân dân các địa phương trong việc di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng. 

Lực lượng tham gia thi công hai dự án đều là những nhà thầu có tiềm lực về kinh tế, giàu kinh nghiệm trong xây dựng và thiết kế thủy điện như, Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1; Tổ hợp nhà thầu Tổng công ty Sông Đà; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng LICOGI, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Bộ Quốc Phòng… 

Thành công của NMTĐ Sơn La và NMTĐ Lai Châu còn gắn liền với nỗ lực của Ban A Sơn La trong việc điều hành linh hoạt, quản lý tốt nguồn vốn; tổ chức nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu kịp thời để tái sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thi công; kịp thời đề xuất các sáng kiến giúp công trình vượt qua các giai đoạn khó khăn, vướng mắc... 

iển hình, năm 2004, khi mặt bằng công trình Thủy điện Sơn La đã đủ điều kiện triển khai, toàn bộ lực lượng CBCNV của Ban A Sơn La và các nhà thầu đã có mặt trên công trường, sẵn sàng thi công. Lúc này, Dự án vẫn chưa được phê duyệt. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, lãnh đạo Ban A Sơn La đã mạnh dạn báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước, xin phép Thủ tướng Chính phủ, EVN cho phép thi công trước một số hạng mục như, hệ thống kênh, cống dẫn dòng, đường giao thông, các công trình phụ trợ, nhà ở cho công nhân... và đã được chấp thuận. Chính vì vậy, ngày khởi công NMTĐ Sơn La cũng đồng thời là lễ ngăn sông lần thứ nhất. Đây là cách làm sáng tạo và chưa có tiền lệ ở các công trình thủy điện trước đó, góp phần rút ngắn tiến độ công trình.

Hay ở NMTĐ Lai Châu, giai đoạn đầu triển khai đúng thời điểm khủng hoảng kinh tế, việc thu xếp vốn gặp rất nhiều khó khăn. Ban An Sơn La đã đề nghị Ban Chỉ đạo Nhà nước xin cơ chế đặc thù cho Dự án. Khi đó, Anh hùng lao động Thái Phụng Nê - Thường trực Ban chỉ đạo đã kịp thời báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng chấp thuận, cho phép EVN vay 6.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, giải quyết “cơn khát vốn” của công trường...

Đêm không ngủ trên công trường Thủy điện Lai Châu

PV: Hiện nay, khi nguồn thủy điện để khai thác, xây dựng các nhà máy mới không còn nhiều, nhiệm vụ của Ban A Sơn La trong giai đoạn tới có gì khác, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Phương: Rất đáng tự hào khi công trình Thủy điện Lai Châu sắp kết thúc, Ban A Sơn La tiếp tục được EVN tin tưởng giao trọng trách triển khai Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng, với 2 tổ máy, tổng công suất 480 MW. Hiện nay, Dự án đang trong giai đoạn khảo sát, chuẩn bị lập thiết kế khả thi... Nhà máy này sau khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện Việt Nam, tận dụng hiệu quả nguồn nước thừa trong mùa lũ và giảm tải công suất cho các tổ máy hiện có...

Sắp tới, Ban A Sơn La sẽ chuyển đổi thành Ban Quản lý dự án chuyên nghiệp, không chỉ quản lý các NMTĐ mà còn quản lý các loại hình nguồn điện khác như nhiệt điện, năng lượng tái tạo... Đây là thách thức không nhỏ đối với đội ngũ CBCNV chuyên về thủy điện. Dù vậy, với truyền thống tận tâm, tận lực, hết mình trong công việc; luôn nỗ lực học tập để nâng cao nghiệp vụ, tôi tin tưởng rằng, cán bộ, nhân viên Ban A Sơn La sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

PV: Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và sẵn sàng cho hành trình mới, ông có thông điệp gì gửi đến CBCNV Ban A Sơn La?

Ông Phạm Hồng Phương: Kỷ niệm 20 năm đồng thời cũng là một dấu mốc quan trọng, mở ra một thời kì mới của Ban A Sơn La. Những thành quả đã đạt được là rất đáng tự hào, nhưng nhiệm vụ trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Tôi hy vọng rằng, song song với việc phát huy những thế mạnh đang có, mỗi CBCNV Ban A Sơn La phải tự đổi mới và hoàn thiện mình, thích nghi với yêu cầu mới, nhiệm vụ mới; phấn đấu trở thành những con người chuyên nghiệp trong một Ban quản lý dự án chuyên nghiệp.

PV: Cảm ơn ông! 

Ông Thái Phụng Nê - Cố vấn Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguyên Phái viên Thủ tướng Chính phủ, Phó ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu:

Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sơn La về đích trước 3 năm và NMTĐ Lai Châu về đích trước 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội là kết quả từ những quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thông qua Ban chỉ đạo Nhà nước Nhà máy Thủy điện Sơn La - Lai Châu. Đáng nói, đơn vị trực tiếp quản lý đã tiếp cận kịp thời, nhanh chóng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Ban chỉ đạo Nhà nước NMTĐ Sơn La - Lai Châu, từ đó tổ chức quản lý một cách quyết liệt, đảm bảo tiến độ và chất lượng 2 công trình. 
Bên cạnh đó, trong công tác quản lý chi tiết, Ban A cũng có những sáng tạo riêng. Đối với NMTĐ Sơn La, họ đã “bám” công trình, từ khi chưa có quyết định chọn phương án bậc thang sông Đà nhưng vào năm 2003, họ đã tiến hành chuẩn bị sẵn cơ sở hạ tầng, người của Ban A lên làm đường, làm cầu. Vì vậy, ngay sau khi có quyết định của Quốc hội chọn phương án Sơn La thấp (mực nước dâng bình thường 215m, công suất 2.400 MW) thì cơ sở hạ tầng hầu như đã được thông suốt, nhờ vậy mới có được mặt bằng công trường để nhanh chóng vận chuyển thiết bị, đưa nhân lực lên kịp thời phục vụ triển khai công trình chính. 
Ngay khi NMTĐ Sơn La đang trong quá trình thi công, Ban A còn đồng thời chuẩn bị báo cáo khả thi cho Dự án Thủy điện Lai Châu. Nhờ đó, khi Dự án Thủy điện Lai Châu được Quốc hội thông qua vào năm 2009, đường sá vào công trường đã thuận lợi, tạo điều kiện để khởi công công trình vào đầu năm 2011. 
Ban A Sơn La cũng được đánh giá là một trong những đơn vị có nhiều sáng tạo trong công tác quản lý kỹ thuật, giám sát chặt chẽ các đơn vị tư vấn, thiết kế, kịp thời sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tôi đánh giá cao việc tổ chức thực hiện, công tác quản lý của Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La trong suốt 20 năm qua. Đồng thời, hy vọng trong giai đoạn mới với những nhiệm vụ mới, Ban A Sơn La sẽ tiếp tục phát huy được nội lực, đóng góp vào sự phát triển chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 

 

Ban Quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La

- Ngày thành lập: 1/11/1996;
- Tổng số CBCNV tính đến tháng 9/2016: 200 người;
- Nhiệm vụ chính:
+ Quản lý Dự án NMTĐ Sơn La;
+ Quản lý Dự án NMTĐ Lai Châu;
+ Dự án NMTĐ Hoà Bình mở rộng;
+ Dự án Thuỷ điện tích năng Mộc Châu;
+ Quản lý các dự án thủy điện khác do EVN giao.

Những đóng góp nổi bật của NMTĐ Sơn La và NMTĐ Lai Châu:

- Vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra, tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng: NMTĐ Sơn La vượt tiến độ 3 năm; NMTĐ Lai Châu dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016 - vượt tiến độ 1 năm.
- Tổng công suất 3.600 MW, cung cấp sản lượng điện khoảng 14,7 tỷ kWh, chiếm gần 10% sản lượng điện toàn hệ thống. 
- Góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung phát triển.
- Góp phần cắt lũ vào mùa mưa và cấp nước phục vụ tưới tiêu cho đồng bằng sông Hồng vào mùa kiệt. 
 

 


  • 25/10/2016 02:33
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 6308