Công ty Điện lực Hà Tĩnh: Chủ động các phương án ứng phó bão số 7

Huy động 100% quân số, ứng trực 24/24h và chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với bão số 7 (tên quốc tế SARIKA) - đó là khẳng định của ông Trần Trọng Tin – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh khi trao đổi với evn.com.vn chiều ngày 17/10.

PV: Xin ông cho biết mưa lũ vừa qua xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã gây thiệt hại như thế nào đối với ngành Điện?

Ông Trần Trọng Tin - Phó Giám đốc PC Hà Tĩnh

Ông Trần Trọng Tin: Trong thời gian từ 14-16/10, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra mưa lớn gây ngập lụt trên địa bàn nhiều xã thuộc các huyện Hương Khê, Thạch Hà, Vũ Quang, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.

Do lượng mưa lớn nên xảy ra ngập lụt trên diện rộng; gây mất điện 87 trạm biến áp thuộc địa bàn 21 xã của các huyện kể trên, với số lượng khách hàng bị mất điện trên 10.500 khách hàng.

PV: Công tác khắc phục sự cố cấp điện cho khách hàng được PC Hà Tĩnh triển khai ra sao?

Ông Trần Trọng Tin: Nước rút đến đâu, chúng tôi cho kiểm tra đến đó, nếu đảm bảo an toàn mới thực hiện đóng điện.

Tính 15h ngày 17/10, Công ty đã đóng điện trở lại 23 trạm biến áp, trong đó cấp điện hoàn toàn cho các trục chính của 43 lộ đường dây với gần 3.000 khách hàng.

PV: Bão số 7 có thể đổ bộ hoặc gây ảnh hưởng đến tỉnh Hà Tĩnh. Công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7 được PC Hà Tĩnh triển khai ra sao thưa ông?

Ông Trần Trọng Tin: Sáng ngày 17/10, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã họp khẩn với các phòng ban và điện lực các huyện/thành phố/thị xã để chủ động ứng phó với bão số 7. Lãnh đạo Công ty đã yêu cầu Giám đốc các Điện lực trực 24/24h, kiểm tra hành lang lưới điện trên địa bàn. Đồng thời các phòng ban của Công ty tập trung toàn bộ vật tư, thiết bị, phương tiện, đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để chuẩn bị sẵn sàng ở mức cao nhất nếu bão số 7 đổ vào Hà TĨnh.

Đặc biệt, Giám đốc Công ty đã phân công 3 Phó giám đốc, mỗi đồng chí phụ trách 4 điện lực để trực tiếp chỉ đạo các phương án, cũng như hướng khắc phục sự cố nếu bão số 7 đổ bộ vào Hà Tĩnh. Hiện các đoàn đã có mặt tại các điện lực để chỉ huy, đồng thời liên hệ với các địa phương để có sự phối hợp cũng như tuyên truyền để  bà con ở khu vực đó sử dụng điện an toàn trong mưa bão.

Bên cạnh đó, Công ty phối hợp với Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc, Truyền tải điện Hà Tĩnh, các đơn vị xây lắp điện cung ứng vật tư trên địa bàn để có sự phối hợp khi triển khai khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian sớm nhất, nhằm cấp điện ổn định sau thiên tai.

PV: Sau mưa lũ ngập thường làm chân móng cột điện yếu hơn, vậy trước bão số 7, Công ty đã gia cố các vị trí cột ra sao để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra thưa ông?

Ông Trần Trọng Tin: Đúng là hiện tại tỉnh Hà Tĩnh nước ngập lụt đã nhiều ngày nên các chân móng có phần bị yếu. Chính vì thế Giám đốc Công ty đã chỉ đạo các đơn vị: Với những vị trí nào bị yếu, phải gia cố hoặc chằng chéo ngay để đề phòng khi bão vào gây đổ đường dây. Ngoài ra, lãnh đạo Công ty yêu cầu các điện lực kiểm tra hành lang lưới điện để tránh bị cây đổ vào hành lang. 

PV: Chính quyền địa phương đã phối hợp với Công ty nhằm đảm bảo hành lang an toàn lưới điện trong mùa mưa bão như thể nào?

Ông Trần Trọng Tin: Trước mùa mưa bão, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương phối hợp để giải quyết vi phạm hành lang lưới điện, trong đó giao cho các UBND các huyện/thị xã/thành phố chủ trì phát quang hành lang lưới điện còn ngành Điện hỗ trợ về kỹ thuật và an toàn trong quá trình giải phóng hành lang.

Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã phối hợp rất chặt chẽ với ngành ĐIện để thực hiện nhiệm vụ trên nhằm xử lý những tồn tại vướng mắc để đảm bảo cấp điện tốt nhất có thể. Chính từ sự chỉ đạo thông suốt từ trên xuống dưới của UBND tỉnh nên việc giải quyết vi phạm hành lang lưới điện được nhân dân ủng hộ nên triển khai rất hiệu quả.

PV: Trong mùa mưa bão này việc đảm bảo an toàn điện trong dân rất quan trọng để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc. Việc này được Công ty triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Trần Trọng Tin: Công ty đã tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân trước mùa mưa bão bằng hình thức phối hợp với cơ quan báo chí, đài truyền thanh địa phương để viết bài, phóng sự trên truyền hình, truyền thanh. Thực hiện treo 1.680 pano tuyên truyền khổ lớn tại các UBND phường xã, thôn, xóm, chợ, trường học, các vị trí đông dân cư.

Hiện tại, Công ty đã in 11.000 tờ rơi hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm để phát trực tiếp đến tận tay người dân. Đặc biệt, Công ty có văn bản gửi UBND các xã, phường để phát tờ rơi và đọc thông báo tuyên truyền về an toàn điện trong dân mùa mưa lũ trên loa truyền thanh của địa phương. Việc này được chúng tôi đánh giá rất có hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 17/10/2016 09:48
  • X.Tiến
  • 8893