Hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn là con sông lớn xếp thứ 9 của Việt Nam, vùng thượng nguồn có địa hình dốc từ Tây sang Đông, nhiều gềnh thác, lại nằm trong khu vực có lượng mưa lớn. Vì vậy, lưu vực hệ thống sông này được đánh giá có tiềm năng thủy văn đứng thứ 4 trên toàn quốc.
Quy hoạch thủy điện Quảng Nam gồm 42 dự án thuỷ điện đã được phê duyệt với tổng công suất hơn 1.606 MW. Điện lượng bình quân hơn 6.199 triệu kWh/năm. Đến nay, trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đã có 7 công trình phát điện gồm A Vương, Sông Côn 2, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung 5, Sông Bung 6 và Sông Bung 4. Thêm vào đó, có 10 dự án thủy điện vừa và nhỏ cũng đã phát điện với tổng công suất thiết kế là 135,56 MW.
Còi cảnh báo xả lũ của Nhà máy Thủy điện A Vương - Ảnh Minh Nguyên
|
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trong việc đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, Sở Công Thương Quảng Nam đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra phòng chống lụt bão, quản lý an toàn đập năm 2016 của 12 nhà máy thủy điện trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, đã có 12/12 nhà máy thủy điện đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai công trình và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên; 12/12 nhà máy thủy điện đã có phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập được phê duyệt…
Ông Trương Xuân Tý, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, qua theo dõi tại các hồ chứa thủy điện cho thấy tình hình vận hành hồ chứa so với yêu cầu của Quy trình vận hành liên hồ và nhu cầu hạ du trong mùa cạn đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về nguồn nước, đảm bảo cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp từ đầu vụ Đông Xuân 2015-2016 đến nay.
Đối với việc vận hành hồ chứa trong mùa lũ, trong thời gian quản lý vận hành các công trình hồ chứa thủy điện được tổ chức thực hiện cơ bản đáp ứng Quy trình liên hồ chứa trong mùa lũ. Việc phối hợp giữa các chủ đập và địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như việc lắp đặt các trang thiết bị, hệ thống giám sát xả trả, truyền hình ảnh về các đơn vị liên quan vẫn còn thiếu và yếu.
Là đơn vị thực hiện việc quản lý, vận hành liên hồ chứa trong thời gian gần đây khá tốt, đại diện Nhà máy thủy điện A Vương, ông Lê Đình Bản, Phó Tổng Giám đốc cho biết, nhà máy đã triển khai lắp đặt các trang thiết bị đo đạc, quan trắc, camerra giám sát xả tràn… truyền hình ảnh về cho các đơn vị liên quan theo quy định. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu để cùng phối hợp thực hiện ứng phó với thiên tai là điều quan trọng nhất. Chính vì vậy, nhà máy đã phối hợp với các địa phương ở hạ du, nhất là chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc xây dựng hệ thống loa truyền thanh; cấp phát đến trưởng thôn loa cầm tay; tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đạp thủy điện A Vương… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc đối phó với thiên tai.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, trong phòng chống thiên tai thì việc đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân và nhà nước là cực kỳ quan trọng. Chính vì vậy, các chủ hồ đập thủy điện cần tập trung duy tu, bảo dưỡng, quản lý, vận hành hồ chứa theo quy định. Tuy nhiên, việc lắp đặt các trạm đo mưa tại các khu vực có thủy điện vẫn còn ít, các chủ dự án cần đầu tư hơn nữa trong việc lắp đặt để có con số chính xác, giúp cho các nhà quản lý có hướng xử lý chính xác, phù hợp. Đối với các nhà máy thủy điện, cần nghiêm túc thực hiện các quy chế phối hợp đã được ký kết.