Bão có tốc độ di chuyển nhanh và phạm vi ảnh hưởng rộng
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, sáng ngày 16/10, bão Sarika đã vượt qua đảo Lu dông đi vào Biển Đông và trở thành bão số 7 năm 2016. Hồi 10 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 750 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 10 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17. Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 140N và phía Đông Kinh tuyến 111.50E. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía Bắc Vĩ tuyến 150N và phía Đông Kinh tuyến 112.50E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Hiện các địa phương miền Trung là Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh cho biết đang hứng chịu đợt mưa lũ lịch sử do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Trước dự báo bão số 7, các địa phương tiếp tục lên phương án vừa khắc phục hậu quả mưa lũ vừa triển khai ứng phó bão.
Theo lãnh đạo các tỉnh miền Trung, hiện nay mưa đã ngớt, các tuyến đường trọng yếu cơ bản được lưu thông, mực nước lũ đã giảm bớt nhưng công tác khắc phục hậu quả còn nhiều khó khăn do một số nơi nước còn dâng cao, vẫn bị cô lập. Việc bão số 7 với cường độ mạnh và diễn biến phức tạp có khả năng gây mưa lớn trên diện rộng, dự kiến đổ bộ vào các tỉnh từ Khánh Hòa trở ra, sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với chính quyền và người dân các tỉnh nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương về công tác ứng phó với bão số 7
|
Nhận định về bão số 7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết: Bão Sarina là bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Do vây, việc ứng phó với bão số 7 đòi hỏi quyết tâm cao nhất của tất cả các cấp, từ Trung ương đến địa phương.
Đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác ứng phó khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua của các tỉnh miền Trung và các Bộ ngành liên quan.
Để giảm xuống mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do ảnh hưởng của bão số 7, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố từ Khánh Hòa đến Quảng Ninh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, hoặc thoát ra khỏi, không đi vào khu vực nguy hiểm; Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu thuyền, kể cả các tàu vận tải, tàu du lịch; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, tùy theo tình hình diễn biến cụ thể của bão chủ động việc cấm biển, di dời người dân khỏi những nơi xung yếu.
“Đặc biệt, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành cửa van, xả nước đón lũ đảm bảo an toàn đập, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các đập xung yếu; đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch; riêng đối với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế (đang xảy ra lũ lụt) tiếp tục thực hiện nghiêm túc các công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đó”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành là thành viên Ban chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương sẵn sàng, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ.
Được biết, hôm nay, ngày 16/10/2016, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã có Điện Thượng khẩn 4372 /EVN-AT gửi các đơn vị trực thuộc về đối phó với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 7 – Sarika. Các đơn vị ngành Điện cũng đã sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó và khắc phục hậu quả bão lũ.