Hàng quán “bủa vây” trạm biến áp, trụ - bốt điện: Xin đừng đánh đu với…“tử thần”

Không chỉ bày biện bàn ghế phục vụ hoạt động kinh doanh hàng quán, nhiều trạm biến áp đã biến thành điểm tập kết rác thải, vật liệu xây dựng. Điển hình như tại Trạm biến áp Giảng Võ 9, trong ngõ 612 đường La Thành (quận Ba Đình, Hà Nội). Rác thải, phế liệu do một số hộ dân thiếu ý thức đổ ra khiến trạm biến áp trên trở nên nhếch nhác, ảnh hưởng đến lối đi lại của công nhân ngành Điện lực.

Quán ăn “bủa vây” trạm biến áp Bát Đàn (ảnh chụp sáng 20/6)

Nhức nhối vi phạm

Không phải mới xuất hiện, nhưng dễ thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội, tình trạng kinh doanh hàng quán trong hành lang an toàn trạm biến áp, trụ - bốt điện vào thời điểm hiện tại đang diễn biến phức tạp. Nhiều người vì tư lợi đã không ngần ngại bày bàn ghế, kê máy ép nước mía, bán trà đá… phục vụ khách hàng.

9h ngày 20/6, tìm đến dốc Tam Đa, nút giao cắt với đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), chúng tôi thấy “lạnh người” trước hình ảnh bên dưới trạm biến áp Tam Đa 4 nơi đây đã thành “sạp” kinh doanh hoa quả tự lúc nào.

Người mua, người bán thản nhiên giao dịch bất chấp biển cảnh báo “Cấm lại gần, có điện nguy hiểm chết người” hay “Điện áp cao, nguy hiểm chết người”. Theo một số người dân sinh sống trên địa bàn, hoạt động kinh doanh tại đây xuất hiện đã lâu, chưa được xử lý dứt điểm.

Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn lưới điện đang diễn ra khá phổ biến ở các khu vực có trạm biến áp, trụ - bốt điện hoạt động như: Phố Thành Công, Nghĩa Tân, Ngọc Hồi…

Đáng lưu ý, càng ghi nhận trên một số tuyến phố thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, chúng tôi càng thấy giật mình hơn, khi nhiều trạm biến áp, trụ - bốt điện đã bỗng dưng trở thành nơi quán ăn sáng hoạt động.

Một số trạm biến áp, trụ - bốt điện đang bị hàng ăn “bủa vây” phải kể đến như: Trạm biến áp Hàng Bồ, Bát Đàn… Tại trạm biến áp Bát Đàn, phố Bát Đàn sáng cùng ngày, chúng tôi chứng kiến nhiều thực khách phớt lờ các quy định ngặt nghèo của ngành Điện, thản nhiên xì xụp bát phở ngay dưới trụ điện.

Không chỉ bày biện bàn ghế phục vụ hoạt động kinh doanh hàng quán, nhiều trạm biến áp đã biến thành điểm tập kết rác thải, vật liệu xây dựng. Điển hình như tại trạm biến áp Giảng Võ 9, trong ngõ 612 đường La Thành (quận Ba Đình). Rác thải, phế liệu do một số hộ dân thiếu ý thức đổ ra khiến trạm biến áp trên trở nên nhếch nhác, ảnh hưởng đến lối đi lại của công nhân ngành Điện lực.

Nhằm đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, thời gian qua, đã có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật được các cơ quan chức năng ban hành. Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện quy định rõ, hành vi trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác… đều bị nghiêm cấp. Quy định cấm là thế, song trên thực tế, các vi phạm vẫn diễn ra.

Nguy cơ cháy nổ chực chờ

Lưới điện cao áp, trụ - bốt điện luôn tiềm ẩn nguy hiểm rình rập đối với tính mạng con người khi lại gần. Chính bởi thế, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định rõ, đối với các trạm điện không có tường, rào bao quanh, hành lang bảo vệ được giới hạn bởi không gian bao quanh trạm điện có khoảng cách đến các bộ phận mang điện gần nhất của trạm điện theo quy định như sau: Điện áp đến 22 kV, khoảng cách là 2 m; điện áp 35 kV, khoảng cách là 3 m… Còn đối với các trạm biến áp, trạm phân phối điện hợp bộ, có vỏ bằng kim loại thì hành lang bảo vệ được giới hạn đến mặt ngoài của phần vỏ kim loại...

Tuy nhiên, ngày 20/6, khi trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty Điện lực Tây Hồ (Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội) đã nhấn mạnh, quy định là vậy, song những vi phạm về hành lang an toàn lưới điện, trạm biến áp, trụ - bốt điện vẫn tái diễn. Dù đơn vị điện lực đã chủ động lắp đặt hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, cấm lại gần, nhưng vì cái lợi trước mắt, phớt lờ nguy hiểm rình rập, một bộ phận người dân đã biến nhiều điểm đặt trạm biến áp, trụ - bốt điện thành nơi kinh doanh hàng quán.

Việc người dân sinh hoạt, kinh doanh trong hành lang bảo vệ an toàn trạm biến áp, trụ - bốt điện là rất nguy hiểm. Bởi khi có sự cố chập điện, việc truyền điện, phóng điện gây nguy hiểm đến tính mạng người xung quanh là điều khó tránh khỏi. Cũng theo đại diện Công ty Điện lực Tây Hồ, nghiêm trọng hơn, một số người dân còn sử dụng nguồn lửa, bếp than để đun nấu gần trạm biến áp, trụ - bốt điện, điều này làm cho các thiết bị điện dễ bị bén lửa, giảm tuổi thọ.

Dưới góc độ phòng chống cháy nổ, Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 7, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cũng lo ngại trước tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trạm biến áp, trụ - bốt điện như hiện nay. Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng cho hay, việc kinh doanh hàng quán trong khu vực trạm biến áp, trụ - bốt điện hoạt động luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy, nổ nhất là vào thời điểm nắng nóng, thiết bị điện rất dễ bị quá tải, gây chập cháy. Khi chập cháy, xuất hiện hiện tượng phóng điện, sức khỏe, tính mạng người xung quanh chắc chắn bị đe đọa.

Bên cạnh đó, trong quá trình kinh doanh hàng quán, một số người chưa nhận thức rõ những hệ lụy đi kèm, đã sử dụng, bài trí các dụng cụ kim loại gần nguồn dẫn điện (kê kệ sắt, tủ đựng đồ, dùng xích móc vào giá để trạm biến áp với mục đích bảo quản bàn ghế…) mà không hề hay rằng, đây chính là một trong những nguồn gây ra hiện tượng truyền, dẫn và phóng điện.

Đại diện Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 7 khuyến cáo, thời gian tới, bên cạnh việc mở đợt tổng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân cũng phải được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là tại chính quyền địa phương, khu dân cư - nơi thường xuyên xuất hiện vi phạm. Qua đó, giúp người dân nhận thức rõ hơn về những hậu quả khôn lường khi lấn chiếm hành lang an toàn lưới điện, trạm biến áp, trụ - bốt điện để kinh doanh hàng quán. Có như vậy mới tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.


  • 22/06/2017 04:39
  • Theo Công an Nhân dân
  • 525737