Hệ thống đo đếm điện năng được vận hành như thế nào?

Công tơ điện và hệ thống ghi chỉ số là “chiếc cân” đo đếm sản lượng để Điện lực lên hóa đơn, tính tiền sử dụng điện của khách hàng hàng tháng. Do đó, việc đảm bảo tính chính xác, minh bạch của dữ liệu về chỉ số công tơ là ưu tiên hàng đầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng công ty Điện lực thành viên..

Tỷ lệ công tơ điện tử trên lưới hơn 64%

“Nhiều năm trước, để ghi chỉ số công tơ luôn cần phải có 2 người, trong đó 1 người giữ thang, 1 người trèo lên cột điện để đọc chỉ số. Số liệu được ghi tay vào sổ, mang về nhập  vào máy tính, chuyển thành hoá đơn cho khách hàng. Quá trình ghi chỉ số, phát hành hoá đơn như vậy tốn nhiều ngày, nhiều nhân lực và tiềm ẩn nguy hiểm cho công nhân điện vì thường xuyên phải trèo cao. Còn giờ đây, tại nhiều nơi, số liệu từ công tơ điện tử tự động chuyển về trung tâm dữ liệu, chuyển thành hoá đơn điện tử”. Đó là so sánh sinh động của Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân khi nói về sự thay đổi trong công tác này.

Tới cuối tháng 6/2021, EVN và các Tổng công ty Điện lực đã lắp đặt trên 18,95 triệu công tơ điện tử, chiếm tỷ lệ khoảng 64,6% trong tổng số công tơ do EVN và các Tổng công ty Điện lực quản lý. Những công tơ cơ còn lại sẽ dần được thay thế theo lộ trình.

Theo quy định của pháp luật, công tơ điện thuộc danh mục phương tiện đo nhóm 2, phải được kiểm soát (phê duyệt mẫu khi sản xuất, nhập khẩu, kiểm định ban đầu trước khi đưa vào sử dụng, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng, kiểm định sau sửa chữa). Để đảm bảo tuân thủ pháp luật, EVN đã ban hành quy trình quản lý thiết bị đo đếm điện năng thống nhất trong toàn Tập đoàn. Theo đó, các Tổng công ty Điện lực thực hiện việc kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ, kiểm định sau sửa chữa công tơ điện theo đúng quy định tại Thông tư 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Công tơ điện phải được tổ chức kiểm định được chỉ định theo quy định tại Thông tư 24/2013/TT-BKHCN. 

Đặc biệt, công tác theo dõi công tơ điện đến hạn kiểm định, thay thế định kỳ không thực hiển thủ công mà được quản lý trên hệ thống Quản lý thông tin khách hàng sử dụng điện (CMIS). Đồng thời, các đơn vị duy trì chế độ kiểm tra định kỳ công tơ trên lưới điện thực tế, nhằm bảo đảm công tơ vận hành ổn định, an toàn, chính xác.  

Với công tơ điện tử đo xa, công nhân Điện lực thực hiện kiểm soát thu thập số liệu tự động trên máy tính.

Kiểm soát dữ liệu chỉ số điện bằng công nghệ hiện đại

Theo Ban Kinh doanh EVN, Tập đoàn quản lý toàn bộ chỉ số dữ liệu của hơn 29 triệu công tơ trên phần mềm CMIS, không có tình trạng ghi chép, tính toán số liệu thủ công. Đối với công tơ điện tử có thu thập dữ liệu từ xa, chỉ số được tự động cập nhật để CMIS tính toán hóa đơn.

Với công tơ cơ, công nhân sẽ ghi chỉ số tại hiện trường bằng máy tính bảng có kết nối CMIS. Dù là dữ liệu thu nhận từ loại hình công tơ nào cũng đều được EVN kiểm soát hoàn toàn bằng công nghệ thông tin. Đáng chú ý, các phần mềm ghi chỉ số đều có cảnh báo khi chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng tăng vượt ngưỡng 30% so với kỳ trước đó. Do vậy, công nhân ghi chỉ số sẽ kiểm tra, xác nhận lại ngay chỉ số điện.

Thậm chí, theo quy trình ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện của EVN, khi sản lượng điện của khách hàng tăng quá cao, vượt ngưỡng cảnh báo được thiết lập thì phần mềm CMIS sẽ không cho xác nhận chỉ số để tính hoá đơn. Khi đó, lãnh đạo đơn vị phải tổ chức kiểm tra số liệu và ký xác nhận điện tử số liệu trên chương trình quản lý khách hàng thì mới lập được hóa đơn. 

Trong vòng 24h sau khi ghi chỉ số, Điện lực sẽ gửi thông báo theo các hình thức SMS/Email/Zalo/Web CSKH/App CSKH… đến khách hàng để khách hàng có thể giám sát việc ghi chỉ số công tơ của Điện lực. Với sự ưu việt từ công nghệ hỗ trợ và nhờ nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị Điện lực, do đó, EVN đảm bảo việc ghi, nhập chỉ số điện chính xác; hạn chế tối đa các sai sót trong quá trình lập hóa đơn tiền điện của khách hàng.

Hiện nay, EVN vẫn đang không ngừng hiện đại hóa hệ thống đo ghi chỉ số điện. Tại nhiều nơi trên cả nước như TP Hà Nội, TP Đà Nẵng…, các Điện lực đã khai thác dữ liệu chỉ số điện và cung cấp công khai, minh bạch để khách hàng kiểm soát việc tiêu thụ điện của mình hàng ngày. Và theo lộ trình chuyển đổi số mà EVN đang triển khai, các đơn vị Điện lực sẽ tiến tới khai thác nguồn dữ liệu lớn từ hành vi sử dụng điện của hơn 100 triệu người dân qua hơn 29 triệu công tơ điện tử thông minh, kết hợp với các đối tác theo tinh thần kinh tế chia sẻ, để tạo nhiều giá trị hơn, phục vụ tốt hơn khách hàng sử dụng điện.


  • 24/07/2021 03:47
  • M.H
  • 9405