Hòa Bình: Chuyển mình nhờ có điện!

Hơn 99,96% số hộ dân của tỉnh Hòa Bình đã được sử dụng điện lưới quốc gia, bộ mặt kinh tế - xã hội đã có nhiều khởi sắc.

Vượt khó cấp điện an toàn, ổn định 
 
Tuy chỉ cách Hà Nội 70 km, nhưng Hòa Bình vẫn là một tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Người dân chủ yếu là dân tộc Mường, sinh sống, canh tác theo kiểu du canh, du cư không ổn định. Vì vậy, việc cung cấp điện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tại khu vực lòng hồ Thủy điện Hòa Bình. 
Ông Lương Văn Phương - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) cho biết: “Có khi kéo một trạm biến áp với 2-3 km đường dây trung thế chỉ để cấp điện cho 30 - 40 hộ dân. Nhiều khu vực phải di chuyển cột điện bằng thuyền, bằng xuồng đến chân núi, sau đó, dùng sức người đưa lên vị trí dựng cột. Ở các khu vực miền núi, việc đầu tư xây dựng, thay thế đường dây, trạm biến áp cũng rất vất vả”.
 
Đầu tư, kéo lưới điện đã khó, công tác kinh doanh bán điện trên địa bàn lại còn vất vả hơn nhiều, đặc biệt là khâu thu tiền điện. “Rất nhiều lần, anh em thu ngân viên phải thuê xuồng, đò đi vào sâu vùng lòng hồ, nhưng không gặp được bà con; hoặc có khi gặp được thì khách hàng chưa có tiền, đành phải ra về đợi kỳ sau. Trong khi đó, nhiều gia đình, một tháng chỉ dùng hết vài chục nghìn tiền điện”, ông Phương chia sẻ. 
 
Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng PC Hòa Bình vẫn quyết tâm vượt qua mọi thử thách, cấp điện cho 100% xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao với chất lượng điện ngày càng ổn định. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có 99,96% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Quy mô hệ thống điện do PC Hòa Bình quản lý, vận hành cũng không ngừng được mở rộng. Nếu như năm 2010, toàn Tỉnh chỉ có 3 trạm 110 kV thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên 7 trạm; công suất cực đại tăng từ 60 MW lên 120 MW.  
 
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tiếp nhận điện lưới hạ áp nông thôn, bán điện trực tiếp đến các hộ dân khu vực nông thôn, PC Hòa Bình đã tiếp nhận 176 xã với 150.000 khách hàng từ các tổ chức, hợp tác xã bán điện. Sau khi tiếp nhận quản lý, nâng cấp hệ thống lưới điện hạ áp, chất lượng điện cũng như sự an toàn lưới điện hạ áp nông thôn ở Hòa bình  đã từng bước được nâng lên; người dân nông thôn được mua điện trực tiếp từ ngành Điện với giá điện theo đúng quy định của Chính phủ.
 

Người dân sử dụng điện bơm nước tưới cam - Ảnh: Đình Dũng

 
Kinh tế khởi sắc 
 
Tại thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong), điện lưới quốc gia đã góp phần giúp bà con nông dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, trồng và chăm sóc các vườn cây ăn quả, đặc biệt là cây cam đã giúp cho thu nhập của người dân tăng lên hàng chục lần. 
 
Ông Nguyễn Văn Ngợi (khu 2, thị trấn Cao Phong) cho biết, trước năm 1992, khi chưa có điện lưới quốc gia, đa số người dân ở Cao Phong chủ yếu trồng mía, thu nhập hàng năm không đáng kể, thậm chí có gia đình còn không đủ ăn. Lúc đó, đã có một số hộ dân trồng cam nhưng năng suất rất thấp, vì không có điện tưới tiêu, nên việc trồng trọt chỉ trông chờ vào thời tiết. Từ năm 1992, khi có điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân đã thay đổi. Nếu trước kia, một hecta cam chỉ cho năng suất 2 - 3 tấn/năm thì nay, nhờ có điện, việc tưới tiêu, chăm sóc tốt được đảm bảo hơn, sản lượng thu hoạch từ cây cam đã lên tới 20 - 40 tấn/năm.
 
“Gia đình tôi hiện có hơn một hecta cam, bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 20 - 30 tấn, đạt doanh  thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí, mỗi năm lãi khoảng 700 - 800 triệu đồng”, ông Ngợi cho hay. 
Ông Bùi Văn Inh, xóm Bó, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc: Cái điện về, chúng tôi mừng lắm. Trước đây khi chưa có điện, người dân chúng tôi nghèo lắm, nhà nhà phải ăn ngô, ăn sắn. Nay kinh tế đã phát triển hơn nhiều, nhà nào cũng có cơm, gạo để ăn. 
 
 
Còn theo ông Quách Công Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường (huyện Tân Lạc): Xã Phú Cường có tới 97% là người dân tộc Mường. Khi chưa có điện, đời sống của bà con hết sức khó khăn. Từ năm 1997, khi điện lưới quốc gia về với xã Phú Cường, người dân được tiếp cận với các phương tiện nghe, nhìn như ti vi, đài phát thanh, từ đó, học hỏi được các mô hình, giải pháp  hay trong sản xuất… làm thay đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như máy cày, máy bơm nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các tập tục lạc hậu được đẩy lùi. Từ một xã có tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến 60%, đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã Phú Cường đã giảm xuống còn 25%. 
 
“Có điện, việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân cũng thuận lợi hơn, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh của xã. Nhờ đó, nhận thức của người dân được nâng cao.” - ông Trọng cho hay. 
 


  • 25/11/2015 07:48
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3896


Gửi nhận xét