Hội thảo về thủy điện và cải cách thị trường điện giữa Việt Nam và Na - Uy

12 - 15% là tốc độ tăng trưởng bình quân nhu cầu điện của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Đây là lĩnh vực có nhu cầu tăng trưởng cao nhất trong nhóm năng lượng nói chung tại nước ta -  Bộ Công Thương đã thông báo con số này tại "Hội thảo về Thủy điện và cải cách thị trường điện giữa Việt Nam và Na - Uy". Hội thảo diễn ra ngày 19/3/2013, tại Hà Nội.

Bộ Công Thương cho biết, mặc dù trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm kéo theo các chỉ số tăng trưởng cơ bản khác giảm tương đối. Tuy nhiên, riêng đối với lĩnh vực năng lượng - trong đó có điện năng thì vẫn duy trì mức tăng cao.

Cụ thể, năm 2013, tăng trưởng nhu cầu điện cả nước có giảm so với trước đây, nhưng vẫn ở mức cao, dự báo cả giai đoạn 2010 - 2020 con số này là 12 - 15%. Sau đó, giai đoạn từ 2021 - 2030 sẽ vẫn ở mức khoảng 10%.

Và để đáp ứng nhu cầu về điện không ngừng tăng nhanh, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Cao Quốc Hưng, khẳng định tại Hội thảo: Việt Nam đang thực hiện các biện pháp mang tính chiến lược. Bao gồm: Tăng cường đầu tư các cơ sở sản xuất năng lượng; giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch bằng cách đa dạng hóa việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng; tập trung khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có và phát triển điện hạt nhân; tích cực tìm kiếm và gia tăng trữ lượng các nguồn dầu, khí thiên nhiên cũng như đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng dụng công nghệ phát thải thấp… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cân đối sử dụng các nguồn tài nguyên, trong đó có việc khai thác hiệu quả thủy điện và cải cách thị trường điện.

Đây cũng là nhóm các giải pháp tổng thể mà Chính phủ, Bộ Công Thương triển khai nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Na - Uy sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là về lĩnh vực năng lượng điện.

 Theo Quy hoạch điện VII:

- Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 14.000MW hiện nay lên 21.300MW vào năm 2020;

- Nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với sự phát triển của hệ thống điện nhằm nâng cao hiệu quả và tối ưu vận hành của hệ thống.

- Năm 2020, thủy điện tích năng dự kiến có tổng công suất 2.400MW, nâng lên 5.700 vào năm 2030.

 

Na Uy là một quốc gia có tiềm năng thủy điện lớn trên thế giới. Trong liên minh Châu Âu, điện năng sản xuất từ thủy điện của Na Uy luôn đứng đầu với sản lượng hàng năm lên tới 120 TWh, chiếm trên 95% tổng điện năng tiêu thụ tại Na Uy.

 


  • 19/03/2014 01:50
  • Vĩnh Long
  • 2811


Gửi nhận xét