Hơn 92% diện tích đã có nước gieo cấy vụ Đông Xuân 2016 - 2017

"Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã bàn bạc với các địa phương và thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ xem xét giảm 3 ngày lấy nước đợt 3 so với kế hoạch" - ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết tại buổi kiểm tra và đôn đốc công tác lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2016 - 2017 tại các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội, chiều 9/2.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh (bìa phải) nghe lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích  báo cáo tình hình lấy nước trên địa bàn TP. Hà Nội - Ảnh: Minh Tâm

Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi đánh giá cao nỗ lực của TP. Hà Nội cũng như các địa phương Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ trong việc chủ động, tích cực lấy nước kịp thời, hiệu quả. Đến nay, các địa phương đều đảm bảo diện tích lấy nước đạt và vượt từ 10-15%.

Những địa phương có diện tích đủ nước cao là Hải Phòng (100%), Hà Nam (100%), Thái Bình (98,9%), Ninh Bình (97,57%), Phú Thọ (99,68%), Nam Định (96,63%). Riêng Hà Nội - địa phương gặp khó khăn về nguồn nước - hiện diện tích đủ nước đã đạt 88%; một số điểm khó khăn như Thạch Thất đạt 73%, Phúc Thọ 76%.

Ông Tỉnh cho biết, nhằm đảm bảo đủ nước cho 100% diện tích đất gieo cấy, vừa tiết kiệm nguồn nước phục vụ phát điện vào mùa khô, Tổng cục Thủy lợi đã bàn bạc kĩ với các địa phương và thống nhất với EVN sẽ giảm 3 ngày lấy nước của đợt 3 so với kế hoạch.

“Tuy nhiên, sau 3 đợt xả nước tăng cường, EVN sẽ tiếp tục duy trì lượng nước trên sông Hồng đảm bảo đủ cho các trạm bơm dã chiến ven sông hoạt động. Riêng Trạm thủy văn Sơn Tây sẽ duy trì mực nước là 3,5 m trở lên, đảm bảo trạm bơm dã chiến Phù Sa hoạt động được, phục vụ gieo cấy vùng Thạch Thất và Quốc Oai – hai điểm khó khăn nhất trong công tác lấy nước của TP. Hà Nội”, ông Tỉnh cho biết thêm.

Để việc lấy nước đạt hiệu quả, Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị các địa phương huy động tất cả các phương tiện để lấy nước, đảm bảo công tác gieo cấy kịp thời vụ. Đồng thời, tiếp tục tích trữ nước trong hệ thống kênh mương, ao hồ.. phục vụ công tác tưới dưỡng trong thời gian tới.

Đánh giá tổng quan về 3 đợt xả nước, ông Tỉnh cho biết, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương mà trực tiếp là EVN và các địa phương đã góp phần giúp công tác xả và lấy nước được hiệu quả cao; giảm được số ngày xả nước, góp phần tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước phục vụ phát điện.

“Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của EVN. Theo thống nhất ban đầu, trong 3 đợt xả nước, mực nước Trạm thủy văn tại Hà Nội duy trì từ 2,2 m trở lên. Tuy nhiên, trong nhiều thời điểm, mực nước đều cao hơn 2,2 m, giúp các công trình đảm bảo được bơm nước cũng như lấy nước 100% công suất thiết kế. Bên cạnh đó, 100% trạm bơm được cấp đủ điện an toàn, liên tục để vận hành”, ông Tỉnh cho hay.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thủy lợi, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên mực nước của hệ thống sông Hồng đang ngày càng thấp. Do vậy, những năm tới, các địa phương cần tập trung nguồn lực, xây dựng một số trạm bơm để đảm bảo công tác lấy nước đạt hiệu quả cao hơn nữa. “Năm nay, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc đã đầu tư một số trạm bơm và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thục. Hiện, chúng tôi đang làm việc với thành phố Hà Nội và EVN để nghiên cứu, đầu tư trạm bơm Phù Sa, phục vụ công tác lấy nước những năm sau hiệu quả hơn khi mực nước sông Hồng xuống thấp”, ông Tỉnh cho hay.