Sau Phú Quốc và Hòn Tre, EVNSPC đang tập trung nguồn lực đưa điện ra nhiều đảo và cụm đảo nhỏ thuộc vùng biển Tây- Nam (thuộc tỉnh Kiên Giang). Những hòn đảo nhỏ xa xôi vốn im lìm, nay đã và đang được đánh thức.
Nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, phóng viên đã ghi nhận về hoạt đồng đầu tư xây dựng lưới điện và những đổi thay trong đời sống người dân nơi đây.
Liên danh nhà thầu gồm Công ty CP Cơ khí Kiên Giang và Công ty Cienco1 đang triển khai thi công trụ điện của đường dây 110 kV vượt biển
|
Chạy đua với sóng
“Biển động liên tục. Sức gió từ cấp 5 trở lên chiếm khoảng 40% thời gian thi công”- ông Phạm Ngọc Lễ - Phó Tổng giám đốc EVNSPC nói về điều kiện thời tiết thất thường trên biển gây khó khăn cho việc thi công dự án cấp điện cho đảo Lại Sơn.
Cụ thể, tháng 12/2015 có 12 ngày biển động với sức gió từ cấp 5 trở lên do ảnh hưởng bão Melor. Qua tháng 1/2016, liên tục 4 đợt gió Đông Bắc cấp 5 với tổng thời gian 13 ngày. Tình trạng tương tự không ngừng tiếp diễn trong các tháng tiếp theo. Do các thiết bị thi công chính như búa đóng cọc, trạm trộn bê tông…đều đặt trên xà lan, nên khi có sóng lớn không thể thi công. Thậm chí phải di chuyển tất cả thiết bị thi công vào bờ để tránh sóng, trong khi đa số các vị trí xây dựng nằm xa bờ, nên mất rất nhiều thời gian.
Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Lại Sơn có tổng chiều dài gần 44 km đường dây 110 kV, bắt đầu từ An Biên (Kiên Giang). Trong đó có 24,5 km đường dây vượt biển với tổng cộng 48 trụ điện, ngoài ra còn có 2 trụ tiếp bờ. Đây là đường dây 110 kV vượt biển dài nhất Việt Nam từ trước đến nay. Dự án được khởi công xây dựng đầu tháng 9/2015, dự kiến hoàn thành và đóng điện vào dịp 30/4/2016. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công.
Chủ đầu tư lẫn các nhà thầu đang hết sức nỗ lực tìm biện pháp khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. “Chúng tôi phải tăng ca, tăng nhân lực thi công cả ngày lẫn đêm khi thời tiết cho phép để bù lại thời gian biển động không thi công được”- ông Nguyễn Trọng Đức, chỉ huy trưởng công trường gói thầu số 2 gồm 17 vị trí móng trụ, từ bờ đất liền ra đảo (do liên danh nhà thầu Công ty CP Cơ khí Kiên Giang và Công ty Cienco1 thực hiện) nói.
Ông Đức cho biết, tính đến giữa tháng 4/2016 đơn vị đã thực hiện gần 70% khối lượng công việc, trong đó hoàn thành đóng cọc đại trà từ móng số 2 đến 15 và hoàn thành toàn bộ móng ở 1 số vị trí đồng thời bàn giao cho nhà thầu xây lắp phần trụ điện.
Mức độ khó khăn trong việc thi công 31 móng trụ tiếp theo (từ trụ số 19 đến trụ cuối cùng tiếp giáp đảo Lại Sơn) tăng lên do xa đất liền, biển sâu và sóng mạnh hơn. Đoạn này do Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô thực hiện. Ông Nguyễn Mạnh Cường - Đội trưởng thi công cho biết, biển khu vực này có độ sâu từ 8 m - 11,5 m.
Chiều dài cọc móng theo yêu cầu từ 26 m - 30 m, trong khi chiều dài cọc có thể sản xuất được chỉ bằng một nửa nên đơn vị thi công phải nối cọc ngay trên xà lan. Để đẩy nhanh tiến độ, Tổng công ty XD Lũng Lô đã tăng cường 2 đội thi công.
Đến nay đã hoàn thành 12/31 vị trí móng cọc, đồng thời đã bàn giao vị trí móng số 50 (phần tiếp bờ ở đảo Lại Sơn) cho Công ty xây lắp điện Cần Thơ thi công lắp dựng trụ và kéo dây.
Cùng với việc thi công đường dây 110 kV vượt biển, việc thi công xây dựng Trạm 110 kV Lại Sơn, công suất 2x25 MVA và lưới điện phân phối trên đảo Lại Sơn cũng đang được đẩy nhanh tiến độ và dự kiến hoàn thành công đoạn cuối cùng - gắn điện kế cho các hộ dân trước tháng 5/2016.
EVNSPC xác định, mặc dù gặp nhiều trở ngại về thời tiết, giải phóng mặt bằng, nhưng sẽ quyết tâm hoàn thành công trình và cấp điện lưới quốc gia cho người dân xã đảo Lại Sơn trong tháng 5/2016, đúng vào dịp sinh nhật Bác Hồ. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ cấp điện cho gần 2.000 hộ dân trên đảo.
Đảo xa thức giấc
“Cứ mỗi chuyến tàu từ đất liền cập đảo thì có ít nhất vài ba người đem theo đồ điện về đảo, trong đó có cả máy lạnh, loại mà xưa nay bà con ngoài này rất ít biết đến”- ông Nguyễn Đức Tài - Trưởng ấp Bãi Nhà B (xã Lại Sơn) mô tả về không khí háo hức chuẩn bị đón điện lưới quốc gia của người dân trên đảo. Ông cho biết, lâu nay điện cung cấp trên đảo từ nguồn máy phát diesel, chất lượng không ổn định, trong khi chỉ phát 15 giờ mỗi ngày.
Cho nên, khi nghe chuẩn bị có điện lưới quốc gia, bà con trên đảo ai cũng mừng. Nhiều hộ đã và đang dần chuyển hướng sang làm dịch vụ. Các dịch vụ cần đến điện như đóng mới và sửa chữa tàu đánh cá, dịch vụ vi tính, trò chơi điện tử, dịch vụ hậu cần du lịch…cũng đang khởi sắc theo những bước đi của điện.
Nhiều người dân trên đảo đón đầu điện lưới quốc gia bằng việc đầu tư phát triển kinh doanh |
|
Chị Bích Trâm, chủ nhà trọ Thanh Tú (ấp Bãi Nhà A) kể: “Khi nghe đảo sắp có điện lưới quốc gia, khách du lịch đến đảo ngày càng nhiều nên gia đình tôi chuyển hướng sang kinh doanh nhà trọ và đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để xây dựng nhà trọ này”. Nhà trọ Thanh Tú có 15 phòng, được trang bị đầy đủ máy lạnh.
Chị Bích Trâm cho biết, trong thời gian trước mắt sẽ chạy máy phát tự trang bị vào những giờ nhà máy phát điện trên đảo không hoạt động. “Khi điện lưới quốc gia ra đến đảo, việc kinh doanh nhà trọ của chúng tôi chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi hơn”- Bích Trâm kỳ vọng.
Ông Phạm Ngọc Lễ cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư kéo điện quốc gia ra các đảo thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang, trong năm 2014 EVNSPC đã triển khai lập dự án đầu tư cấp điện cho 6.800 hộ dân ở 7 xã đảo của tỉnh, bao gồm 3 xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du (huyện Kiên Hải) và các xã Sơn Hải, Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương); Hòn Đốc (xã Tiên Hải, TX.Hà Tiên); Hòn Thơm (huyện Phú Quốc) với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành đưa điện đến Lại Sơn, ngành Điện tiếp tục đầu tư đường đây đưa điện từ Lại Sơn đến đến các xã An Sơn, Nam Du.
Bà Nguyễn Thị Gái - Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn chia sẻ, cả xã An Sơn có 1.047 hộ dân với trên 5.000 nhân khẩu, trong đó chủ yếu làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. “Mặc dù điện mới đến đảo Lại Sơn, cách đây hàng chục hải lý, nhưng bà con trên đảo An Sơn đã rất mừng vui bởi tin tưởng ngày điện lưới quốc gia đến đảo An Sơn đang rất gần”.
Bà Gái cho biết, hiện các cơ sở sản xuất kinh doanh trên đảo phải dùng điện máy phát diesel, nhưng không đủ điện nên rất khó phát triển. Nhằm đón đầu dòng điện quốc gia, xã An Sơn triển khai nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý rác bảo vệ môi trường. Xã cũng chủ trương phát triển mạnh về du lịch và hiện nay có 20 cơ sở kinh doanh lưu trú được cấp phép, khoảng 50% lượng tàu thuyền của người dân trong xã chuyển từ đánh bắt sang làm du lịch. Cách An Sơn không xa, người dân xã đảo Nam Du (gồm trên 20 hòn đảo lớn nhỏ) cũng đang rục rịch chuyển hướng sản xuất kinh doanh để đón đầu điện lưới quốc gia.
Ông Đinh Văn Trung – Chủ tịch Hội nông dân xã Nam Du cho biết, ngày càng nhiều nên nhiều hộ dân tại địa phương hoán cải tài cá thành tàu du lịch để đưa đón, phục vụ khách du lịch.
Dõi mắt theo đường điện
Từ ngày nghe ngành điện triển khai xây dựng đường dây vượt biển đưa điện ra đảo, bà Ẩn (vợ ông Trương Minh Ẩn, ấp Bãi Nhà B, xã Lại Sơn) mừng không kể xiết. “Tâm trạng của tui cũng như bà con trên đảo mừng lắm”- bà Ẩn nói như reo. Điều khiến bà Ẩn và người dân đảo Lại Sơn vui mừng là bởi “có điện xài đầy đủ”, không bị hạn chế về thời gian hay “điện phập phù” như điện chạy máy phát hiện nay. Ngày ngày bà Ẩn cũng như nhiều bà con trên đảo thường dõi mắt về phía công trình đang thi công ngoài biển. Mỗi móng, trụ điện nhô lên khỏi mặt biển, niềm vui của bà con như được nhân lên.
Bà Ẩn kể, bà từng nhẹ dạ nghe người ta lôi kéo nên vượt biên trái phép. Nhưng chân trời mới của bà không mở ra mà khép lại trong khu tị nạn tại Thái Lan. Sau gần 7 năm sống cảnh cơ cực nơi đất người, bà được Nhà nước bảo lãnh trở về quê hương sinh sống. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng bà Ẩn có được cuộc sống bình yên. Bà cũng nhận thấy rõ hòn đảo nhỏ nơi mình đang sinh sống ngày càng phát triển đi lên về mọi mặt và điều đó khiến bà hài lòng. Sự xuất hiện của đường dây vượt biển đưa điện ra đảo Lại Sơn khiến bà càng tin tưởng về một cuộc sống phát triển trong tương lai của bà cũng như mọi người dân trên đảo.
|