Khó xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện

Bất chấp nguy hiểm, nhiều hộ dân ở huyện Thường Tín (Hà Nội) vẫn xây dựng nhà, công trình vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn lưới điện. Nhiều trường hợp còn xây dựng nhà, xưởng “ôm” cột điện. Mặc dù Công ty Điện lực Thường Tín đã có nhiều giải pháp, song vi phạm vẫn còn nhiều khiến việc xử lý gặp không ít khó khăn.

Cột điện và đường dây nằm trong ban công nhà dân (Ảnh chụp tại thôn Trần Phú, xã Minh Cường)

Nhà, xưởng “ôm” cột điện

Theo thống kê của Công ty Điện lực Thường Tín, toàn huyện còn tồn tại 117 cột điện hạ thế và 44 cột trung thế nằm trọn trong nhà dân. Ngoài ra, dọc các tuyến đường dây trung thế 22 kV và 35 kV trên địa bàn do Công ty Điện lực Thường Tín quản lý còn 77 trường hợp vi phạm khoảng cách hành lang an toàn lưới điện (ATLĐ); gần 300 hộ có công trình, vật kiến trúc… nằm trong hành lang ATLĐ.

Theo chân một cán bộ Công ty Điện lực Thường Tín, phóng viên Báo Hà Nội Mới đến xã Minh Cường - một trong những xã tồn tại nhiều vi phạm hành lang ATLĐ. Ngay ở đầu thôn Trần Phú đã có quá nhiều cột điện hạ thế nằm trọn trong nhà dân, dây diện chằng chịt chạy qua giữa ban công, lan can, mái che, mái vảy… Không chỉ có những ngôi nhà cũ mà một số công trình kiên cố của các hộ dân mới xây dựng cao 2-3 tầng cũng “ôm” trọn đường dây hoặc cột điện (chủ yếu là phần ban công đua ra đường giao thông), rất nguy hiểm. Rời thôn Trần Phú, phóng viên tiếp tục khảo sát tại các thôn còn lại của xã Minh Cường như Lam Sơn, Khôn Thôn và Đống Tranh, tình trạng vi phạm hành lang ATLĐ cũng xảy ra tương tự.

Ông Phạm Phú Tuấn, Chủ tịch UBND xã Minh Cường cho biết, toàn xã hiện có 69 cột điện nằm trong nhà dân. Trong đó, vi phạm nhiều nhất phải kể đến thôn Lam Sơn và Khôn Thôn. Nguyên nhân là do trước đây đường điện hạ thế ở 2 thôn này được xây dựng ven làng, nên cắt ngang nhiều thửa đất. Do vậy, trong quá trình sử dụng đất, xây dựng nhà ở, nhiều hộ đã xây dựng trùm lên đường dây điện. “Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và lưới điện, thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với ngành Điện xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang ATLĐ trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích đôi bên” - ông Tuấn cho biết thêm.

Không chỉ có xã Minh Cường, một số xã, thị trấn nằm dọc quốc lộ 1A (cũ) như Văn Tự, Tô Hiệu, Thắng Lợi, Quất Động… cũng có hàng loạt vi phạm nghiêm trọng. Nhiều hộ gia đình xây dựng công trình ngay dưới đường dây trung thế 376 E10.4 (35 kV), không bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định. Đáng nói, tại đây có không ít hộ xây nhà kiên cố, công trình phụ, ban công… nằm sát đường dây nên nguy cơ bị điện giật, cháy, chập đường dây có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu sơ suất.

Không để vi phạm mới phát sinh

Ông Đặng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Điện lực Thường Tín cho biết, hầu hết vi phạm hành lang ATLĐ kể trên đều tồn tại từ năm 2005, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp (nay là Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ). Do vậy, để xử lý vi phạm hành lang ATLĐ hiện nay không dễ, bởi nhiều hộ vi phạm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nên chỉ có cách chuyển đường dây ra vị trí khác hoặc chuyển các hộ dân.

Nguyên nhân chính dẫn tới vi phạm hành lang ATLĐ trên địa bàn huyện Thường Tín được xác định là do nhiều địa phương buông lỏng quản lý đất đai và trật tự xây dựng nên để người dân xây dựng công trình trên đất nông nghiệp hoặc đất lấn chiếm thuộc hành lang an toàn giao thông đường bộ - nơi đã có các tuyến đường dây điện xây dựng trước đó. Trong khi đó, ngành Điện không có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm hành lang ATLĐ. Khi phát hiện vi phạm, ngành Điện chỉ được phép lập biên bản hiện trạng, tạm dừng thi công công trình vi phạm, gửi thông báo đến UBND các xã, thị trấn đề nghị xử lý, song nhiều vi phạm đã không được xử lý kịp thời.

Trước thực trạng trên, từ năm 2012, Công ty Điện lực Thường Tín đã xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường dây trung thế nhằm giảm bớt vi phạm. Đối với các tuyến dây hạ thế chạy qua nhà dân, Công ty Điện lực Thường Tín đã phối hợp với các hộ dân thay, chuyển cột; bọc lại toàn bộ dây dẫn bằng dây cáp bọc; tránh đường dây ra xa các công trình vi phạm nhằm bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, những năm gần đây Công ty Điện lực Thường Tín đã chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát dọc các tuyến đường dây trung thế, hạ thế nhằm xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm hành lang ATLĐ. Tuy nhiên, do ý thức chấp hành các quy định về hành lang ATLĐ của người dân hạn chế nên việc phát hiện và xử lý gặp khó khăn.


  • 07/04/2017 09:04
  • Theo Báo Hà Nội Mới
  • 12109