“Không thể nói thủy điện là nguyên nhân gây lũ lụt”

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Ẩn- Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành thủy điện trên địa bàn tỉnh này.

Thực hiện đúng quy trình vận hành

Thực hiện kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP, trong ba ngày từ 21 - 23/7/2014, đoàn công tác của Bộ do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Năng lượng, Cục điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã tới kiểm tra công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành thủy điện tại tỉnh Phú Yên.

Theo đánh giá của đoàn công tác, các nhà máy trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khá nghiêm túc Quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ chứa đã được phê duyệt trong mùa lũ và mùa cạn. Đảm bảo công tác chi trả tiền bồi thường tái định canh, định cư nhưng có một yếu tố chưa đảm bảo đó là công tác trồng rừng thay thế.

Các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên cần nỗ lực đảm bảo an toàn đập và hồ chứa trong mùa mưa lũ - Ảnh st

Hiện nay, tổng diện tích đất trồng rừng thay thế các dự án thủy điện trên địa bàn Phú Yên là gần 294 ha (gồm 39,1 ha đất rừng phòng hộ và 254,73 ha đất rừng sản xuất) nhưng mới thực hiện trồng được 12,9 ha.

Ông Đào Tấn Cam- Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên cho biết, tiến độ triển khai lập phương án trồng rừng thay thế các dự án thủy điện còn chậm là do lưu vực của các dự án rộng, tìm kiếm diện tích trồng rừng thay thế phải mất nhiều thời gian nên đã ảnh hưởng tới tiến độ trồng rừng. Hiện tại tỉnh đã phê duyệt phương án trồng bù rừng còn lại của dự án thủy điện sông Ba Hạ (191,4ha).

Đối với công tác vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện, trong quá trình vận hành xả lũ hồ chứa qua các mùa lũ hàng năm, các chủ hồ thủy điện đã thực hiện theo đúng quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ; thực hiện quy chế phối hợp vận hàn giữa các hồ trong mùa lũ hàng năm để tránh trường hợp xả lũ trùng pha.

Giảm lũ cho hạ du

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Ngọc Ẩn đánh giá: Mỗi công trình thủy điện trên địa bàn đều thực hiện quy trình vận hành, đảm bảo chống lũ và chống hạn nên không thể đổ lỗi cho thủy điện gây ra lũ.

Thực tế là trận lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 100 năm qua xảy ra tại địa phương năm 1993 khi chưa có thủy điện. Tuy nhiên, ông Ẩn cũng nhấn mạnh: Khi đã có hồ, đập thủy điện thì công tác điều tiết nước là rất quan trọng, phải có cảnh báo tới người dân và vận hành xả lũ theo đúng quy định.

Phân tích rõ hơn về khả năng chống lũ của các công trình thủy điện trên sông Ba, ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện- Tổng cục Năng lượng cho biết: Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Ba đã xem xét vấn đề cắt giảm lũ cho hạ du nhưng do vấn đề địa hình, độ dốc và tính khả thi của các dự án, không thể xây dựng hồ chứa có dung tích lớn để cắt lũ cho hạ du.

Vấn đề chống lũ đã được thực hiện theo quy hoạch, đã xem xét cụ thể từ tình hình thực tế, chứ không phải quy hoạch có mà trong quá trình triển khai lại không thực hiện.

“Nhiệm vụ của các dự án thủy điện trên sông Ba chỉ có thể giảm lũ. Trong quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt cũng là nhiệm vụ giảm lũ chứ không phải cắt được lũ. Vấn đề này được xác định từ khi nghiên cứu quy hoạch chứ không phải dự án có đề cập mà không làm”- ông Quân khẳng định.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành điều tiết liên hồ chứa; tăng cường công khai quy trình vận hành liên hồ cũng như đơn hồ để người dân biết và theo dõi; hướng dẫn kỹ năng ứng phó với lũ lụt cho người dân, rà soát và hoàn thiện hệ thống cảnh báo lũ ở những vùng thường xuyên ngập lụt và hạ du. Đặc biệt, đảm bảo an toàn đập và hồ chứa trong mùa mưa lũ.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đánh giá cao việc Phú Yên đã phối hợp với các chủ đầu tư chủ động xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du và chuẩn bị triển khai cắm mốc cảnh báo ngập lụt.

Đại diện một số nhà máy thủy điện nêu ý kiến về việc khi thực hiện quy trình vận hành liên hồ sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh. Về vấn đề này, đại diện Cục điều tiết Điện lực- Bộ Công Thương cho biết, đơn vị đang nghiên cứu xem xét cơ chế tài chính đối với các nhà máy tham gia giảm lũ và cấp nước chống hạn cho hạ du.

Qua kiểm tra tình hình thi công tại dự án thủy điện La Hiêng 2, công tác vận hành tại Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và từ báo cáo của Sở Công Thương Phú Yên, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã yêu cầu các nhà máy thủy điện phải tăng cường kiểm tra các hồ đập, tuân thủ quy định vận hành đơn hồ và liên hồ đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình hồ chứa. Đồng thời, tham gia giảm  lũ cho hạ du trong mùa mưa lũ sắp tới.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, từ 1/9 tới, các nhà máy thủy điện cần nghiên cứu, tổ chức để thực hiện thông báo trước khi xả lũ 4 giờ trong mùa lũ theo quy trình vận hành liên hồ trên sông Ba tại Quyết định 1077 của Chính phủ.  Ngoài ra, việc phòng chống lụt bão, an toàn đập và hồ phải được thực hiện nghiêm túc.

Đặc biệt, tỉnh Phú Yên cần phối hợp với chủ đầu tư các dự án thủy điện thông báo cho nhân dân những vấn đề liên quan tới xả lũ và bù nước một cách nhanh chóng, kịp thời và rõ ràng. Đề nghị UBND tỉnh tạo mọi điều kiện và các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trồng bù rừng.


  • 24/07/2014 03:16
  • Theo Dân trí
  • 2900


Gửi nhận xét