'Khu vực dự kiến nhận chìm chất nạo vét chủ yếu là cát mịn, sinh vật cảnh nghèo nàn'

Đại diện Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, khảo sát khu vực dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất cho thấy địa chất chủ yếu là cát mịn, sinh vật cảnh nghèo nàn.

Trong các ngày từ ngày 18 - 21/7, theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hải dương học Nha Trang đã lấy mẫu nước, các mẫu trầm tích để xác định hiện trạng môi trường khu vực dự kiến nhận chìm gần 1 triệu mvật chất sau nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Bình Thuận.

Đây là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định có giao vùng biển cho chủ đầu tư thực hiện nhận chìm hay không?

Sáng 27/7, phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Sỹ Hoàn, đại diện Viện Hải dương học Nha Trang, về kết quả đánh giá, khảo sát hiện trạng khu vực dự kiến nhận chìm này.

Ông Phạm Sỹ Hoàn, Phó Trưởng phòng Vật lý biển, Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết, đoàn khảo sát đã thực hiện đo địa hình đáy biển bằng hệ thống máy đo chuyên dụng và đo được độ sâu đáy biển trong khu vực nhận chìm 30 ha dao động từ 35 - 36,8 m, nghĩa là địa hình đáy biển ở đây rất bằng phẳng.

Ngoài ra, đoàn khảo sát đã thu mẫu trầm tích đáy biển, các mẫu này cho thấy địa chất chủ yếu là cát mịn, có màu xám đen, vỏ sinh vật lẫn vào đó rất ít.

"Trong quá trình khảo sát, chúng tôi còn sử dụng các thiết bị lặn để tiến hành quay phim, chụp ảnh đáy biển. Kết quả cho thấy một số sinh vật cảnh ở khu vực đó rất nghèo nàn, không có san hô và tảo biển, chỉ có một số loài như cua ký sinh, ốc" - ông Phạm Sỹ Hoàn cho biết thêm.

Xem video kết quả đánh giá, khảo sát hiện trạng khu vực dự kiến nhận chìm


  • 28/07/2017 11:01
  • Nguồn: vtv.vn
  • 10292