Theo ông Hải, trước đây, khi chưa có máy móc và phương pháp thay thế, cơ sở chủ yếu sấy tôm khô bằng phương pháp thủ công. Cụ thể cho tôm khô vào trong một căn phòng, đặt nhiều quạt ở các góc nhà và bật trong thời gian 60 tiếng để làm khô tôm. Để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nhất là chi phí tiền điện trong giá thành sản phẩm, trong thời gian qua cơ sở đã đầu tư trên 2 tỷ đồng thay đổi máy móc công nghệ mới như: Lò luộc tôm, máy sấy công nghiệp, kho đông lạnh, tủ đông,…
Ông Dương Tiến Hải, Chủ cơ sở kiểm tra bộ phận điều khiển của máy sấy tôm khô công nghiệp trước khi vận hành
|
Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất tôm khô Tiến Hải cũng tận dụng ánh sáng tự nhiên thực hiện khâu sơ chế phân loại, tận dụng thời tiết nắng nóng vào mùa khô phơi sản phẩm; không sản xuất trong giờ cao điểm, tập trung sản xuất vào giờ bình thường và thấp điểm; điều chỉnh nhiệt độ, thời gian vận hành của các lò luộc, máy sấy phù hợp theo số lượng sản phẩm cần sấy. Đồng thời cài đặt thời gian sấy phù hợp nhất với sản phẩm, đối với sản phẩm tôm sấy khô cần sấy trong khoảng thời gian từ 4-6 tiếng là vừa đủ.
"Về các loại máy sấy tôm khô thường sử dụng 2 phương pháp sấy là sấy nhiệt nóng và sấy lạnh, mỗi phương pháp có những ưu nhược điểm nhất định và tùy nhu cầu sấy mà chọn công nghệ sấy phù hợp. Đối với cơ sở chúng tôi sử dụng phương pháp sấy nhiệt nóng. Kể từ khi trang bị công nghệ mới và áp dụng các giải pháp tiết kiểm điện, đến nay tiền điện hàng tháng chỉ còn khoảng 6 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 1,2 triệu đồng/tháng (trước đây bình quân sử dụng khoảng 7,2 triệu đồng/tháng)" - ông Dương Tiến Hải chia sẻ.