Kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những ngày đầu tiếp quản ngành Điện tại miền Nam

Ngay sau Đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 7 giờ sáng ngày 1/5/1975, Tiểu ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Lê Thành Phụng - Phó Tiểu ban dẫn đầu có mặt tại số nhà 72 Hai Bà Trưng, chỉ huy quân quản toàn bộ và nguyên vẹn cơ sở vật chất kỹ thuật của Công ty Điện lực Việt Nam (CĐV).

Trong ngày làm việc đầu tiên, Tiểu ban quân quản đã yêu cầu CĐV triệu tập tất cả công nhân viên chức trở lại làm việc bình thường; bằng mọi cách giữ cho dòng điện liên tục tỏa sáng, không gây khó khăn cho việc tiếp quản và bảo đảm sinh hoạt của Thành phố. Đồng thời, lên kế hoạch sửa chữa ngay những đường dây bị tàn phá vì bom đạn trong Thành phố (phải hoàn thành trong hai ngày 2 và 3/5) và sửa chữa đường dây Sài Gòn - Mỹ Tho (tại khu vực Thủ Thừa) xong trước ngày 4/5; lập kế hoạch sửa chữa đường dây truyền tải điện và Nhà máy Thủy điện Đa Nhim; Phối hợp với lực lượng quân quản tổ chức canh gác các vị trí quan trọng, đề phòng kẻ địch phá hoại.

Điều đáng nói là hoạt động điện lực lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, phức tạp do các nhà máy phát điện thiếu nhiên liệu (dầu); các linh kiện thiết bị hư hỏng không có phụ tùng thay thế, muốn nhập khẩu thiết bị thì không có ngoại tệ hoặc bị Mỹ cấm vận, bao vây. Lưới điện miền Nam chưa được xây dựng hoàn chỉnh, nhiều vùng chưa có điện; hoạt động sản xuất, phân phối điện còn manh mún, chắp vá.

Trước tình hình đó, CĐV đã báo cáo khẩn cấp lên Ủy ban Quân quản Thành phố, Bộ Điện và Than về tình hình nhiên liệu sắp hết, đề nghị cấp trên có kế hoạch chi viện kịp thời. Ngay sau khi nhận được báo cáo, ngày 8/5/1975, đoàn công tác của Bộ Điện và Than do đồng chí Lê Ba - Thứ trưởng làm trưởng đoàn, đã vào chi viện cho K9, đồng thời làm việc với Điện lực, bàn biện pháp đẩy mạnh việc tiếp quản ngành Điện. Giai đoạn này, Nhà nước cũng đã thành lập Tổng cục Điện lực do đồng chí Lê Ba làm Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng, đồng chí Trương Văn Đẩu làm Tổng cục phó.

Ngay sau khi thành lập, Tổng cục Điện lực đã tiến hành tập hợp tất cả các trung tâm điện lực địa phương vào một đầu mối quản lý, xây dựng phong cách, nề nếp làm việc mới. Cụ thể, Tổng cục Điện lực đã tới các tỉnh, thành phố vận động đưa các trung tâm điện lực về cho ngành Điện quản lý; hình thành các sở điện lực; duy trì hệ thống sản xuất kinh doanh điện, tiếp tục củng cố tổ chức với sự chi viện cán bộ từ miền Bắc.

Một trong những thành tựu lớn nhất của thời kì này là đã khôi phục thành công đường ống thủy áp Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn, kịp thời bổ sung nguồn điện cho miền Nam, phục vụ công cuộc cải tạo, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Sản lượng điện thương phẩm lúc bấy giờ chỉ đạt khoảng 930 triệu kWh/năm, cung cấp điện cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhờ khôi phục kịp thời đường ống thủy áp Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, tình trạng thiếu điện gay gắt, phải cắt điện, tiết giảm điện luân phiên đã được giảm bớt.

Cùng với các hoạt động chuyên môn, ngành Điện miền Nam lúc đó cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng để CBCNV thấy rõ trách nhiệm và niềm tự hào của những người dân bị áp bức, bóc lột đã vùng lên, thoát khỏi ách đô hộ, trở thành chủ nhân của đất nước mình. Vì vậy, CBCNV ngành Điện đã ra sức cống hiến hết mình, xây dựng đất nước, xây dựng ngành. 13 buổi học tập, sinh hoạt tại Trung tâm Điện lực Sài Gòn, Thủ Đức, Biên Hòa và Mỹ Tho đã tạo niềm tin, động lực và tinh thần phấn khởi cho CBCNV, giúp họ nhận thức rõ được trách nhiệm của người công dân trên đất nước tự do của mình, từ đó, có động lực và mục tiêu phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và vận hành hệ thống điện miền Nam.


  • 30/04/2023 07:14
  • Trích Kỷ yếu “EVNSPC: 45 năm xây dựng và phát triển”, năm 2020
  • 4699