Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: 'Với phụ nữ ngành Điện, khó khăn càng lớn, quyết tâm càng cao!'

Khi biết chị Huệ làm trong ngành Điện và lại còn làm chuyên trách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), người ta thường hỏi: “Tại sao phụ nữ lại chọn nghề này?”. Mỗi khi nghe câu hỏi ấy, chị Phạm Thị Huệ - Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội (thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội) chỉ mỉm cười đáp lại: “Với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ngành Điện chúng em, khó khăn càng lớn, quyết tâm càng cao!”

Chị Phạm Thị Huệ - Ảnh: T.Huyền

Lần “biệt phái” để đời…

Với vẻ ngoài nhỏ nhắn, có phần nữ tính, thật khó để hình dung người phụ nữ trước mặt tôi lại là một trong những “siêu cao thủ” về công tác giải phóng mặt bằng các dự án điện – một trong những công việc được xem là “xương nhất” trong Ban Quản lý dự án và cũng là một trong những phần việc “khó nhằn” trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Chị Huệ chia sẻ, chị đến với công việc này như một cơ duyên. Năm 2010, khi đang công tác tại phòng Tổng hợp của Ban QLDA, với khả năng giao tiếp tốt, chị Huệ được lãnh đạo Ban tin tưởng “biệt phái” thử sức với công tác GPMB cho dự án “Xây dựng TBA 220kV Tây Hồ” trên địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

“Khi đó tôi khá lo lắng vì là một người “tay trắng” trong lĩnh vực này, tuy nhiên được sự tin tưởng và động viên của các cấp lãnh đạo và đặc biệt là lãnh đạo Ban QLDA lưới điện Hà Nội, tôi đã tự tin hơn và dùng hết tâm huyết để hoàn thành công việc được giao” – Chị Huệ nhớ lại. 

“Đây là dự án đầu tay của tôi và cũng là dự án khó khăn, phức tạp nhất tính đến thời điểm này do vướng phải sự phản đối của 100% người dân có đất bị thu hồi. Họ đều sở hữu đất vườn đào, xung quanh hạ tầng đô thị đang phát triển rất mạnh, tấc đất tấc vàng nên việc để họ nhường đất cho ngành Điện gần như là “bất khả thi”.

Khó khăn hơn khi hồ sơ quản lý đất đai thiếu, người dân phản đối dự án nên không cung cấp giấy tờ liên quan, không thể họp dân, tổ công tác đến trực tiếp từng nhà đều không được đón tiếp, thậm chí phải nghe những lời lăng mạ, chửi bới… Những khó khăn ngày càng chồng chất ngay từ bước đầu ấy có lúc từng làm xuống tinh thần “lính mới” trong nghề như chị Huệ.

Khi đó, được các cấp lãnh đạo động viên, chị nhanh chóng lấy lại tinh thần và quyết tâm kiên trì nhiều lần xuống gặp từng hộ dân để giải thích, vận động họ ủng hộ dự án. Thậm chí phải trải qua tất các tình huống khó khăn như xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế hành chính bảo vệ thi công,… thì các hộ dân mới đồng thuận bàn giao mặt bằng cho dự án. Thành công bước đầu đó cũng là động lực để chị Huệ đủ “dũng cảm” dấn sâu hơn nữa vào lĩnh vực GPMB.

Tại sao lại chọn việc này?

“Tại sao là phụ nữ, em lại chọn công việc này?” - một cán bộ quận Hoàng Mai từng tò mò hỏi chị Huệ khi hỗ trợ chị thực hiện công tác GPMB cho dự án “Xây dựng trạm biến áp 110kV Minh Khai và nhánh rẽ” năm 2017. Đó cũng là câu hỏi chị từng tự hỏi mình nhiều lần và chị nghĩ rằng tại sao phụ nữ lại không thể làm công việc này khi bản thân phụ nữ có ưu thế là mềm mỏng, bền bỉ - những đức tính khó có thể thiếu với cán bộ làm công tác GPMB. Điều ấy cũng được chị Huệ chứng minh rất rõ qua kết quả của các dự án.

“Người làm công tác GPMB cho các dự án điện không chỉ cần có kiến thức tổng hợp từ nhiều lĩnh vực như nắm chắc các quy định pháp luật, các thông tư, nghị định, quy định trong các lĩnh vực đất đai, tài chính, xây dựng, điện,... mà còn cần có khả năng giao tiếp, đàm phán, lắng nghe, thấu hiểu và thuyết phục như một nhà ngoại giao” 

Chị Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Dự án lưới điện Hà Nội (thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội)

Thực trạng khi triển khai công tác GPMB cho dự án “Xây dựng trạm biến áp 110kV Minh Khai và nhánh rẽ” rất khó khăn. Ngay từ việc bàn giao mốc giới ngoài thực địa của Sở TN&MT cũng phải ban hành giấy mời đến lần thứ 3. Các thửa đất thuộc phạm vi GPMB xây dựng dự án có lịch sử phức tạp, giấy tờ hồ sơ lưu trữ không tập trung, thiếu tin cậy, xảy ra việc mua đi bán lại,… Tổ công tác đã đề xuất với chính quyền địa phương ban hành thông báo bằng văn bản, đưa lên bảng tin tại các khu dân cư về việc tiếp nhận thông tin liên quan đến các chủ sở hữu liên quan đến khu đất. Cán bộ đại diện chủ đầu tư trực liên tục tại trụ sở UBND phường Vĩnh Hưng để xác minh thông tin (15 ngày làm việc).

Trong quá trình thực hiện, bằng tinh thần trách nhiệm cao và sự chuyên nghiệp, cầu thị, các chị đã tạo dựng được lòng tin đối với địa phương, xác minh thông tin chính xác 95% cho 31 thửa đất trong phạm vi GPMB trạm. Đồng thời đề xuất với địa phương thực hiện quy chủ cho các hộ gia đình, cá nhân theo phương pháp “cuốn chiếu” nhằm đấy nhanh tiến độ ban hành Thông báo thu hồi đất, tạo hiệu ứng cho các công tác khác.

Thế nhưng, khi công việc GPMB được cơ bản hoàn thành (29/30 thửa đất thuộc phạm vi thu hồi) thì còn một hộ gia đình nhất quyết không hợp tác. Vị trí thửa đất này nằm giữa khu đất xây dựng trạm nên việc triển khai thi công xây dựng là gần như không thể thực hiện. Tiến độ đã bị chậm rất nhiều so với kế hoạch ban đầu đề ra. Lúc đó chị đã tìm mọi cách để tiếp cận với hộ gia đình nói trên và dùng biện pháp dân vận “mưa dầm thấm lâu”, thậm chí có lần, chị “ở lì” tại nhà cô chú cả ngày để giải thích. Từ chỗ từng bị cô chú khóa cổng không tiếp, sự “cứng đầu” của chị đã thuyết phục được cô chú ký bàn giao mặt bằng trước khi hoàn tất thủ tục nhận tiền theo quy định. Thậm chí sau đó, cô chú tin tưởng, coi chị như con cháu trong nhà và mạnh dạn chia sẻ, tâm sự, thậm chí xin ý kiến tư vấn về đất đai khi gặp vướng mắc. Cho đến bây giờ chị rất vui vì mỗi khi gia đình có việc, cô chú đều gọi điện cho chị như một thành viên trong gia đình.

Chị Huệ gặp gỡ, trao đổi với người dân xã Tích giang, huyện Phúc Thọ về việc bàn giao đất cho dự án Cải tạo đường dây 110KV Hà Đông - Sơn Tây. Ảnh: NVCC

Phụ nữ làm quản lý - người cùng lúc vẽ nhiều vòng tròn

Tháng 05/2020, chị Huệ được lãnh đạo Ban QLDA tin tưởng, bổ nhiệm chị giữ chức vụ Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng. Một trong những khó khăn khi ngồi vào vị trí quản lý đối với chị Huệ chính là việc chị luôn cầu toàn và muốn mọi việc phải đi đúng hướng. Trong khi đó, chị lại là thành viên trẻ gần nhất phòng.

Chị tâm sự: “Tôi luôn có xu hướng muốn được kiểm tra, giám sát mọi thứ, lo sợ nhân viên mình không làm tốt, điều đó đã vô tình tạo nên những áp lực công việc không cần thiết cho mình và cho cả nhân viên dưới quyền. Tôi đã phải cố gắng để học cách chấp nhận mọi sự không hoàn hảo. Tôi phải rèn luyện cho mình sự bình tĩnh chấp nhận, không phán xét, biết cách phối hợp nhịp nhàng và hoàn thiện hơn, không ôm đồm và biết cách cân bằng để cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng hơn trong mọi việc.

Tôi luôn có cảm giác mình thiếu thốn thời gian cho mọi công việc của mình. Cùng một lúc, tôi phải đóng nhiều vai trò hơn, vừa làm công tác quản lý, vừa là đối tác bản lĩnh, vừa là người cấp trên thân tình của nhân viên, vừa là người ham học hỏi trong mọi việc, vừa là người hoạt bát, quảng giao ngoài xã hội, vừa phải xinh đẹp, đầy tự tin, vừa phải làm vợ, làm mẹ,… Đôi khi tôi thật sự thấy đuối vì phải luôn chạy đua với thời gian để có thể hoàn thành tốt nhất mọi vai trò của mình… Thế nên, tôi phải biết cách sắp xếp thời gian, công việc của mình một cách khoa học để không chỉ sống cho công việc, cho gia đình mà còn phải sống cho bản thân mình nữa”.

Làm công việc GPMB đồng nghĩa với việc luôn phải “bám sát cơ sở”, vậy nên để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, chị Huệ cũng đã tự xây dựng cho mình thói quen dậy sớm mỗi ngày để tranh thủ việc nhà và ngủ muộn hơn mọi người để chuẩn bị "việc công" vào ngày hôm sau. Đối với chị Huệ, mọi sự thành đạt sẽ là vô nghĩa, nếu không có gia đình đúng nghĩa. Và việc không ngừng nỗ lực cho sự nghiệp, là để tạo dựng cơ sở, điều kiện cho việc chăm lo gia đình được chu đáo hơn. Chính những suy nghĩ này, chị Huệ đã cố gắng để việc gia đình và sự nghiệp trở nên bổ sung, tương trợ cho nhau.

Ông Nguyễn Đăng Phong - Giám đốc Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội:

Chị Phạm Thị Huệ là một nữ quản lý công tác GPMB có tính cách hòa đồng, hoạt bát, nhiệt tình, gương mẫu đi đầu, cách xử lý công việc khéo léo, nhẹ nhàng có tình, có lý, đạt hiệu quả cao. Đây là những tố chất tiên quyết chứng minh được năng lực của bản thân và làm tốt mọi nhiệm vụ được giao từ khi còn là chuyên viên của Ban cho tới khi được bổ nhiệm vị trí Trưởng phòng GPMB. Chuyện phụ nữ làm quản lý không còn là “đặc biệt” mà ngược lại, chị Huệ luôn có ý thức phát huy thế mạnh, khắc phục những nhược điểm để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được cấp trên giao phó.


  • 06/03/2021 08:37
  • Theo Chuyên mục Văn hoá EVN
  • 5105