Ký ức trực điện mùa COVID-19: “Khi tôi đi trực, cháu mới chỉ biết bò...”

Đến thời điểm này, mặc dù cả nước không còn thực hiện giãn cách xã hội, nhưng câu chuyện của các nữ nhân viên vận hành trạm biến áp trong những ngày cách ly vẫn luôn là “ký ức COVID-19 khó quên” với người làm điện. Trong đó, có những chị em phải xa con dài ngày, từ khi con mới chỉ biết bò…

Đau đáu nhớ con…

Mở đầu câu chuyện, chị Nguyễn Thị Thỏa - công nhân TBA 500kV Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ với là hàng loạt câu nói cứa ruột gan: “Con xa bố, xa mẹ là một điều vô cùng thiệt thòi, em bé nhiều khi rất nhớ bố, nhớ mẹ. Mỗi lần gọi điện cho mẹ, con hay hỏi, mẹ không nhớ con à? Con nhớ mẹ nhiều lắm!…”

Không gian thoáng chút trầm lắng khi ký ức những ngày thực hiện nhiệm vụ trực cách ly tập trung tại trạm trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư vừa qua lại hiện rõ trong tâm trí chị Thỏa. Đó là cảm giác da diết nhớ thương con. Là nỗi buồn lo khắc khoải không thể giãi bày… Ban ngày, khi bận rộn của công việc cuốn đi, chị dốc hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng ban đêm, một mình chị trong không gian tĩnh lặng của trạm, bao nhiêu cảm xúc cứ ùa về. Rất nhiều đêm chị mất ngủ.

Đặc biệt là vào những ngày bắt đầu nhận lịch cách ly, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng, nhận lịch cách ly tập trung tại nơi làm việc, lúc đó chị Thỏa xác định “chưa biết ngày về”.

Còn đối với chị Đỗ Thị Dậu - công nhân TBA 500kV Nho Quan (Ninh Bình) khi nhắc đến quãng thời gian dài đến 2 tháng, mỗi lần con gái Bùi Phương Thảo (3 tuổi) gọi điện hỏi “khi nào mẹ về với con?” chị lại ứa nước mắt. Chồng chị Dậu làm trong quân đội, vì nhiệm vụ, nên không được về với gia đình. Chị có 2 con nhỏ, cháu lớn chưa đầy 3 tuổi, cháu bé lúc đó mới chỉ 10 tháng tuổi lại bị hở van tim, cả hai cháu đều phải gửi nhờ ông bà ngoại chăm sóc giúp - cách nơi làm việc của chị Dậu gần 50 km. Nhớ con, lo lắng con quá nhỏ, lại sức khỏe kém nên sau mỗi ngày làm việc chị Dậu đều gọi điện về nhà hỏi thăm ông, bà và tình hình sức khỏe của các cháu.

Chia sẻ nỗi nhớ con với những giọt nước mắt, chị Đỗ Thị Dậu nghẹn ngào nói: “Khi tôi vào cách ly trong trạm, cháu nhỏ mới chỉ biết bò thôi, khi nghe ông bà nói cháu đã có thể chập chững tập đi, tôi vui lắm, nhưng cũng rất buồn, vì không được ở gần con để được chăm sóc và nhìn thấy những bước đi chập chững đầu đời của con”.

Cùng nỗi niềm như chị Thỏa, chị Dậu, rất nhiều chị em khác đã phải gác lại nỗi nhớ gia đình để cách ly tập trung, nhằm hoàn thành nhiệm vụ trong đại dịch. 5 năm là công nhân trực vận hành trạm biến áp 500kV Đông Anh, chị Lê Thị Thu Giang đã nhiều lần tham gia trực, nhưng lần trực cách ly này hết sức đặc biệt. Chị Giang bồi hồi nhớ lại: “Chồng tôi công tác trong lực lượng vũ trang, cũng phải cách ly tại đơn vị. Tôi có một bé lớn 3 tuổi phải gửi bà nội trông giúp. Đứa thứ 2 ở luôn với mẹ tại cơ quan. Rất may các đồng nghiệp nữ tại đây cũng như lãnh đạo TBA 500kV Đông Anh luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để tôi chăm sóc con và hoàn thành công việc được giao”.

Nữ công nhân vận hành TBA 500kV Đông Anh nói riêng và rất nhiều phụ nữ ngành Điện khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ vượt qua khó khăn trong giai
đoạn dịch COVID-19

Vượt khó cho dòng điện thông suốt

Thấu hiểu những khó khăn vất vả của nữ CBCNV, Phó Trưởng TBA 500 kV Đông Anh - Phạm Ngọc Huy cho biết, Trạm luôn cố gắng tạo điều kiện trong đời sống, cũng như trong công việc cho chị em. Trạm bố trí, sắp xếp cho chị em có nơi ở thuận tiện. Đối với chị em phụ nữ có con nhỏ, trạm cũng tạo điều kiện phân chia các kíp trực, để các chị em có thể hỗ trợ nhau.

Ông Vũ Văn Lộc - Giám đốc TTĐ Ninh Bình cho biết: Lực lượng vận hành phải cô lập, cách ly tại trạm, nhiều công nhân có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhiều người có bố, mẹ già ốm đau hay bệnh nặng đang điều trị tại bệnh viện, nhưng cũng không thể về thăm và chăm sóc người thân được. Vì vậy, đơn vị đã phối hợp với Công đoàn tổ chức tuyên truyền, động viên, thăm hỏi người lao động và hỗ trợ kịp thời các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để họ yên tâm công tác.

Vượt qua khó khăn của công việc, của hoàn cảnh gia đình, sau mỗi ca trực, những nữ công nhân truyền tải điện lại quây quần bên nhau cùng nấu bữa cơm và động viên tinh thần nhau bằng những lời ca, tiếng hát, tiếng đàn… Sự chia sẻ của những đồng nghiệp, sự quan tâm động viên từ các cấp lãnh đạo đã tạo động lực cho những người lính truyền tải, vượt qua khó khăn, thách thức, tất cả vì dòng điện thân yêu của Tổ quốc.

Dịch bệnh đã từng bước được khống chế. Và cuộc sống đang dần trở lại nhịp điệu “bình thường mới”. Đó là kết quả của sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực lớn từ chính quyền các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân. Trong đó, có đóng góp thầm lặng của những người làm điện. Họ đã, đang gác lại việc riêng tư, sẵn sàng trực tại đơn vị để dòng điện thông suốt, góp sức mình cho nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, mang cái Tết ấm áp tới các gia đình.


  • 05/02/2022 09:00
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 4234